Saturday, August 9, 2014

Hương Sầu Đông

Truyện ngắn

     Thomas Nguyễn đến làm việc chung nhóm  hơn chừng một tháng rồi, mà tôi vẫn chưa có dịp nói chuyện riêng với cậu. Tôi có cái thói xấu là ít bắt chuyện với  'ma mới ', nhất là lại ma mới người Việt. Cứ sợ người ta nghĩ là mình đang dở trò ma cũ hù ma mới. Với lại, lúc này công việc cũng bề bộn quá. Thời buổi kinh tế khó khăn, các hãng xưởng đua nhau downsizing, sa thải nhân viên hàng loạt. Kẻ thiếu may mắn thì khăn gói ra đi, người thoát sổ đoạn trường lại cũng chẳng may mắn hơn chi mấy, vì phải làm việc gấp đôi gấp rưỡi. Tôi cũng không thoát khỏi cảnh đó, lu bu loay hoay tối ngày.  Cho đến một hôm, tôi đang ngồi ở cafeteria uống vội ly cà phê sáng  thì Thomas xề vào ngồi chung bàn và mở đầu câu chuyện :

  - Nghe các anh chị ở đây nói là chị khó tính lắm, ít nói chuyện lông bông, em nghe mà sợ quá.

  - Sợ? Thế sao còn đến bắt chuyện?

 - Biết rồi mà, tóc gáy  em cũng dựng đứng lên nè, nhưng em cũng rán liều, vì em nghe nói chị An người Quảng trị?

 - Ừ, khỏi hỏi, nhìn tui nè: nước da xám xịt, người gầy tong teo, đủ tiêu chuẩn của người xuất thân từ chốn chó ăn đá, gà ăn muối...

 - ... đồng khô, cày trên sỏi đá...

  - Cậu cũng thuộc bài dữ!

 - Nhưng chị An thiếu giọng nói trọ trẹ...

 Tôi thành thật:
 
 - Ừa, tại đi khỏi quê đã khá lâu rồi...

 - Chị An này, có nhiều khi em tự hỏi, mà chị đừng cười em nha, tại sao người ta cứ nói giọng Huế, giọng Quảng trị là trọ trẹ khó nghe? Mà, không phải là người ta chỉ nói chọc chơi đâu, em có đọc thấy người ta viết trong văn trong truyện đàng hoàng nữa. Gì mà giọng nói trọ trẹ? Trong lúc “giọng Bắc trầm bỗng”, “giọng Nam ngọt ngào”....Thử hỏi chứ ngày xưa nếu tiếp sau các vua nhà Nguyễn đặt kinh thành ở Huế, thời Đệ Nhất Cộng Hoà cứ chọn Huế làm thủ đô, đài phát thanh trung ương cứ thế mà nhả giọng Huế đi khắp mọi vùng đất nước, thì giọng Huế sẽ phổ thông hơn, có khi thành tiếng chuẩn biết đâu chừng...

    Cậu này cũng rắn mắt. Tôi nghĩ.  Cậu có vẻ muốn gân cổ lên rồi đây. Tôi dò đường :

- Ái chà, nghe không hiểu nên người ta nói vậy mà. Sao cậu thắc mắc dữ. Giọng cậu cũng lơ lớ thập cẩm, đâu có rơi vào giọng miền Trung kỳ...cục đâu mà lo.

- Chị nói vậy mà nghe được, giọng cuả quê chị, mà chị không binh sao?

- Binh thì làm sao? Ra đường Bolsa vác theo cái bảng: giọng Huế êm như giòng Hương Giang, hở?  A, câu này hay hơn:  giọng Huế đậm đà như tô bún bò giò heo...

 -  Chị An này giỡn quá, vậy mà thiên hạ nói chị ... khó chơi!

  Tôi lườm chú nhỏ một cái thật dài rồi đứng dậy trở vào làm việc, cũng chẳng hẹn với chú làm gì, vì thấy chẳng có gì đặc biệt .

   Thế nhưng, những giờ còn lại ngày hôm đó tôi nghĩ  nhiều về làng Thạch Hãn, nơi đã ủ ấp tôi từ khi còn là một đứa bé sơ sanh cho đến khi trở thành thiếu nữ. Tôi nghĩ về các ngôi trường tôi đã đến, để vui đùa, để học tập rèn mài. Từ ngôi trường Nữ Tiểu học đơn sơ bên bờ sông Thạch Hãn, rồi Trường Têrêxa Phước Môn gần nhà thờ có các soeurs nghiêm khắc, đến trường Nguyễn Hoàng rợp bóng dương liễu gần bến xe. Bao nhiêu cái ghế nhà trường tôi đã mài nhẵn bóng. Bao nhiêu kiến thức và đạo lý tôi đã thu thập được để trở nên người hôm nay. Tôi có hữu ích cho quê nghèo của tôi tí nào không? Cái hoài bão ngày xưa ôm ấp, giờ tôi đã thực hiện được chút nào chưa? Tôi bần thần suy nghĩ. Rồi tôi lại thấy trong đầu tôi hàng ngàn hàng vạn kỷ niệm cũ kéo về, như lũ như lụt, như gió như bão và tôi không còn chối cãi chạy trốn như tôi vẫn thường làm được nữa. Tôi đầu hàng và ngồi thừ người ra cho ký ức hoành hành. Mắt tôi vẫn mở nhìn trừng trừng mớ giấy tờ trước mặt. Nhưng tôi chỉ thấy Quảng trị. Tôi chỉ thấy Thạch Hãn và một tôi-ngày-còn-bé ...

Tôi thấy tôi còn 14,15 tuổi, thỉnh thoảng nói dối là các soeurs cho nghỉ học sớm, trốn học đi đò qua Ái Tử, Nhan Biều chơi . Ở đó có chuà Sư Nữ lúc nào cũng rợp bóng mát của những hàng tre dày xanh mướt. Ngồi dưới những rặng tre này, nghe gió vi vu xào xạc, nhìn tre lẳng lơ thả làn tóc mượt mà theo gió, yểu điệu soi mình dưới giòng Thạch Hãn trong veo, tôi đã ước là tôi có thể làm thơ ... tả rặng tre. Sau này, tôi lên cao nguyên, cũng gặp nhiều rặng tre đẹp, rồi tại Mỹ, cũng có những rặng tre dày và xanh ngắt ở các công viên, nhưng không có rặng tre nào “ăn” được rặng tre chùa Sư Nữ trong  tôi.

Tôi thấy mình cùng đám bạn con gái đạp xe đi chơi khắp nơi, nào La Vang đất đỏ khô rốc, nào Bích La xanh mát, nào Trí Bưu bát ngát lúa rì rào. Tôi thấy ngôi nhà nhỏ của tôi có hàng sầu đông bao bốn phía.Tôi nhớ những tối mùa xuân ra sân hít đầy ngực hương hoa sầu đông thơm sực nức. Tôi nhớ những ngày hè trèo lên cây hái trái sầu đông hình dáng như những quả trứng nhỏ, để chơi đồ hàng buôn bán với con bé bạn thân hàng xóm.

Nhưng, tôi cũng thấy tôi phải cùng cha mẹ làm hầm tránh đạn pháo kích. Đêm, tôi không còn ngủ với tiếng dế kêu rả rích tiếng gió ru cây rì rào nữa. Đêm bấy giờ, hoả châu sáng rực mảnh trời con, tiếng súng ầm ì, tiếng máy bay gầm rú ồn ào. Rồi có những đêm tiếng súng gần hơn, và sáng mai trở dậy thấy những hàng chuối hàng dừa cụt mất ngọn. Có những sáng đến trường thấy chỗ ngồi của một đứa bạn nào đó để trống, và trống mãi. Rồi mùa xuân, hoa sầu đông hé nở, tôi ra sân hít hà làn hương tôi hằng yêu thích, tiếc thay tôi đã không thể hít mùi hương sầu đông thơm nồng tinh khiết vào đầy  lồng ngực thiếu nữ , mà chỉ là mùi thuốc phát quang, mùi Agent Orange độc địa. Mùa xuân năm đó, hoa chưa kịp nở, cây đã úa vàng, chết héo, như tuổi xuân của thế hệ chúng tôi. Tôi thấy, mùa hè gió Lào thổi về nóng rát mặt, tang tóc phủ trùm tỉnh lỵ bé nhỏ. Đó là muà hè đỏ lửa. Tôi xa quê từ mùa hè ấy.

Rồi tôi cũng thấy tôi những lần trở về. Trở về nhìn lại cái mảnh quê hương nhỏ bé điêu tàn tan nát. Năm 73, cùng với các sinh viên ở Huế trở về thăm Thạch Hãn. Lần từng bước  trên đống gạch vụn khổng lồ và dài như không dứt, lòng tôi quay thắt quặn đau. Cái đau tinh thần đã biến nhập thành cơn đau thể chất trong tích tắc mà một giây trước đó tôi đã không thể hình dung được. Tôi đã hiểu được thế nào là cái đau đứt ruột. Trưa mùa hè nóng gay gắt, mà tôi run, tay chân tê cứng. Tôi bước đi trên những đám gạch vụn chẳng còn một viên nào nguyên vẹn. Đứng trên một nền gạch cũ nát tan, chung quanh, những cành sầu đông mới đâm chồi từ gốc cũ đã bị bom đạn chém gãy, tôi bỗng bàng hoàng nhận ra rằng tôi đang đứng trên chính căn phòng của tôi ngày trước. Này đây, gốc sầu đông ngày xưa tôi vẫn trèo hái trái cho anh tôi làm đạn bắn chim. Này đây,  hàng sầu đông đã cho tôi những muà hoa thơm ngát...Người tôi bỗng đổ gập xuống, sóng soài....

         Ký ức tôi đã dẫn tôi về thăm một Quảng trị êm đềm rồi lại tống tôi sang những ngày đen tối nhất rồi đây. Tôi đứng dậy đi lang thang ra ngoài hành lang. Tôi muốn trốn chạy những cơn đau đang trỗi dậy trong lòng. Những cơn ác mộng mà tôi cố tránh, cố quên, cố nhận chìm một cách tuyệt vọng đang trở về trước mặt tôi một cách sừng sững ngạo nghễ. Tôi buông xuôi đầu hàng. Thẫn thờ, tôi như một cái xác vô hồn giữa những sinh hoạt ồn ào tíu tít của một chỗ làm đông người xa lạ .

     Giờ ăn trưa hôm sau, và những hôm sau nữa, Thomas, hay Thái, lò dò dẫn xác đến bàn tôi. Có cậu ta nói chuyện tầm phào, buổi ăn trưa cũng đỡ buồn tẻ. Một hôm, câu chuyện dẫn tôi đến một ngõ ngách khác của ký ức đã từ lâu bị đóng kín:

- Chà, giờ này mà có tô bún bò thì hết sẩy chị hỉ ?

- Thôi chú ơi, ăn thịt  nát kẹp bánh mì thiu cho quen đi, ở đó mà vớ vẩn hoài..

 - Ăn và mơ là hai chuyện khác nhau chứ chị, như em nè, chưa bao giờ được đặt chân đến Quảng Trị mà em vẫn nghĩ rằng giòng Thạch Hãn chắc phải êm đềm lắm và hoa sầu đông phải thơm nồng nàn và xinh hơn mọi thứ hoa trên đời.

 Tôi giật mình sừng sộ:
 
 - Chú nhỏ có liên hệ mắc mớ chi với quê tui mà lôi quê tui ra chọc ghẹo hoài hử. Bộ muốn chê quê tui là nghèo nàn quê mùa à ? Coi chừng nghe!

  - Ý, chị đừng nói vậy, em quê quán Quảng Trị mà, chị muốn em đem trình chị khai sinh của em không? Em sinh ở Đông Hà đó chị.

   - Chú ở Đông Hà thì phải biết nhiều về Quảng Trị chứ, sao lại hỏi vớ hỏi vẩn sông Thạch Hãn với hoa sầu đông...

     Giọng Thái bỗng hạ xuống thật thấp, tôi nghe như tiếng thở dài. Không, như tiếng dội  từ một nơi nào đó, mơ hồ, xa lắm:

  - Không chị ạ. Em chỉ biết về quê mình qua lời me em kể thôi. Mà me thì kể về Quảng Trị như về một chốn thiên đàng đẹp vô tưởng - tiếng Thái  đứt đoạn - Nhưng me không nói nhiều về quê đâu. Thường thì me chỉ nói vắn tắt vài câu, rồi mơ màng suy nghĩ, có khi me lại khóc nữa.

  - Chắc mẹ chú nhớ quê ?

  - Dạ chắc vậy. Mà cũng có thể vì me nhớ ba.

  - Ba chú không cùng vào trong Nam năm 72 sao. Muà hè đỏ lửa đó, ba chú không chạy hở ??

  - Dạ dạ... ba em mất trận hạ Lào. 

Thái cúi đầu giọng thật thấp như thì thầm, nhưng tôi nghe như nghe bằng con tim. Trận hạ Lào. Tôi cũng có người em họ rất thân đã hi sinh. Tôi  nhìn sâu vào đôi mắt nâu nhạt của chú nhỏ, lúc đó đang cúi xuống trốn ánh mắt dò hỏi của tôi:

  - Thái có nghe me nói ngày xưa me ở xóm nào không?
 
  - Dạ, me nói me ở gần trường Têrêxa đó chị.

    Tôi gấp gáp:
 
 - Đừng giận tôi nghe, ba me em tên gì vậy ? Có thể tôi quen à.

  - Dạ ba là Thông, me là Dạ Lê.

  -Trời ơi, Thông, Dạ Lê....

Như có một luồng điện cao độ chạy suốt qua thân thể, tứ chi tôi lạnh ngắt, mặt tôi chắc xanh tái lắm, vì  Thái hoảng hốt  kêu:

   - Chị An, chị sao vậy? Chị sao vậy, chị An!

 Giây lâu, tôi cố trấn tĩnh và bảo Thái :

    - Chiều tan sở, nếu không có gì phiền, Thái đến nhà nhé. Nhà cô có cây sầu đông bé.



     Lúc đó là buổi chiều cuối hạ của những ngày tháng thanh bình, tôi  và Dạ Lê - cô bạn hàng xóm có mái tóc mây  dài che kín lưng - đứa nằm đứa ngồi vắt vẻo trên cây sầu đông ngoài ngõ. Chúng tôi nắm một nắm tay đầy trái sầu đông xanh để ném chọc ghẹo người qua đường. 

Dạ Lê đang đọc Tuổi Hoa thì tôi gọi nhỏ :

   - Ê, mi, có một anh chàng đang đi qua đó.

    - Mi dị òm, ai mà chọi đạn con trai ...

    - Mi mắc cở hả Dạ Lê ? Để tau chọi cho coi...

   Thế là tôi cứ vậy mà pháo kích vào... đầu địch thủ. Một trái trật, rồi hai trái rơi, trái thứ ba tôi nheo mắt ném thật mạnh trúng ngay trên cái mái tóc bồng bềnh màu nâu nhạt. Địch thủ nhìn quanh tìm kiếm. Khi  ngửng lên thấy hai đứa con gái ngồi vắt vẻo trên cây đang nhe răng cười khúc khích cầu hòa, chàng ta mở tròn mắt nhìn sững rồi  lăm lăm đi vào nhà tôi. Tôi hoảng hồn hoảng vía sợ sệt, nhưng cũng lầm bầm: đồ con trai gì mà hèn, bày đặt vô méc mẹ người ta nữa chứ...

 Mà thiệt, chút xíu sau mẹ tôi đi ra sân và gọi tôi:
     - An à, em Thông con cô Út đến chơi con à, vô đây làm quen với em đi.

  Tôi bật cười leo xuống, kéo theo con nhỏ Dạ Lê đang run vì sợ đòn. 

    Bấy lâu nay cô Út tôi ở Huế, và Thông thì ở nội trú nên tôi chưa hề biết mặt. Sau buổi 'đạn rơi' đó, chúng tôi thành bạn và chơi khá thân với nhau. Thông  học hơn chúng tôi hai lớp và tính tình hiền hòa dễ thương,  rất khéo tay,  lại  hay  giúp chúng tôi làm bài vở. Ba mẹ Dạ Lê có cửa hàng buôn bán, thường về nhà trễ nên chúng tôi dùng nhà của Dạ Lê để học bài cho yên tĩnh. Chúng tôi chơi thân tay ba như thế, bỗng một hôm tôi chợt nhận ra hình như Dạ Lê ít hiểu bài hơn, và Thông phải ở lại lâu hơn bình thường. Tôi lúc đó đã 16, nên tôi  hiểu Thông và Dạ Lê không muốn sự có mặt tò tò vô duyên của mình bên cạnh nữa. Tôi kiếm cớ vắng mặt. Tôi thấy Dạ Lê cắt tóc ngắn, bảo rằng hè rồi,  để tóc dài nóng quá, tôi ngẩn ngơ tiếc mái tóc mây óng ả mượt mà. Tôi rút dần và xa dần con bạn hàng xóm dịu dàng và cậu em họ dễ mến. Tuy mất bạn  để tâm sự và cậu em họ để nhờ vã,  tôi cũng cầu mong họ hạnh phúc. Hai người đều thật hiền, nhu mì dịu dàng. Họ thật xứng đôi. Tôi nghĩ thế.

           Nhưng, sự đời đã không êm đềm như tôi tưởng. Một năm sau, bom nổ trong cái gia đình khuôn phép gò bó của chúng tôi, khi cô Út tôi sang khóc với cha tôi rằng Thông và Dạ Lê sắp cho cô một cháu nội ngoài vòng lễ giáo.   Ai có thể ngờ đâu, cái xã hội Quảng trị nhỏ bé rất khuôn khổ khắt khe đó đã sinh mà không dung dưỡng mối tình của bạn tôi. Dạ Lê được gửi  ra Đông Hà. Thông quay quắt buồn và bỏ nhà đi lính. Cô tôi mất. Dượng tôi đem con đi nơi khác. Tôi chúi đầu vào sách vở chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài một. Làng xóm quên dần chuyện tình Thông &Dạ Lê. Thỉnh thoảng về phép, Thông vẫn ghé thăm Ba mẹ tôi  và lấy xe Honda phóng đi biệt tăm vài tiếng.

     Một buổi chiều thật nóng mùa hè, gió Lào thổi từng hơi thở oi nồng đặc quánh về thị trấn, Thông ghé lại quyến luyến từ giã cha mẹ tôi, bảo rằng sẽ ra trận Hạ Lào, và dặn tôi ở nhà nhớ đọc kinh cầu nguyện cho Thông được bình an. Ra đến gốc sầu đông già trước ngõ, Thông quay lại bảo tôi :

     - Chị  An  nhớ không, chị và Dạ Lê chọc phá em từ trên cây sầu đông này đây. Ui chao, lúc em ngửng đầu lên tìm thủ phạm, thấy Lê xoã tóc trốn nửa mặt, những cánh hoa tim tím nho nhỏ vương đầy mái tóc dài... làm em ngơ ngẩn. Thiệt không có bức tranh nào đẹp hơn.

   Tôi ôm cánh tay Thông :

    - À, rứa thì phải cảm ơn cây sầu đông làm mai làm mối đó. Thôi sẵn hoa đang nở, đem theo một ít để nhớ người...

    Tôi chọc thế mà Thông làm thiệt. Anh chàng vơ một nắm lớn nhét vào ba lô, rồi cười cười :

    - Để lỡ em có chết cũng chết thơm. Thơm mùi hương sầu đông đầy kỷ niệm, chị hỉ.

   Hai tuần sau đó, Thông tử trận.  Dưới đáy ba lô của Thông, là những kỷ vật của họ, đôi tình nhân một thời làm xôn xao thị trấn nhỏ: mái tóc mây của Dạ Lê được cẩn thận đặt trong hộp thiếc với lời thề sắt son của nàng; một hộp đầy những bức thư tình hai người viết cho nhau, mấy cuốn nhật ký  và cuối cùng là một hộp nữ trang thật bé đựng cặp nhẫn cưới còn mới tinh.  Đôi nhẫn cưới còn y nguyên, không tì vết, như mối tình đơn sơ mà thủy chung  của họ.  An táng Thông, tôi gởi theo một bó sầu đông to tướng. Những lần thăm mộ, tôi mang hoa sầu đông rải đầy chung quanh. Những lúc ngồi bên mộ người em họ thân thiết, tôi nhớ Dạ Lê và tuổi nhỏ quay quắt. Nhớ, nhưng tôi không tìm đâu ra được nàng vì mùa hè đỏ lửa đến, nhà cửa tan nát, xóm làng thiêu  rụi và người thân mất nhau. Dân Quảng trị tủa ra tứ phiá ngơ ngác như đàn gà con chưa ra ràng đã mất mẹ: toán tạm cư Đà nẵng, toán di dân vào Cam Ranh, toán khai hoang Bình thuận, toán chắp vá cuộc đời ở Phan Rang. Tôi ôm sách ở lại Huế.

o O o

    Chiều cuối đông California hơi lạnh. Vài vệt nắng còn vương vải trên ngọn dừa kiểng, nắng quá yếu ớt thoi thóp không còn hơi ấm dể đủ sức đánh tan cái giá buốt đang ngập ngừng về. Gió thì thào mơn man khóm trúc. Trong cái chòi gỗ lợp tranh nơi góc vườn sau nhà, có gốc sầu đông nhỏ mới trồng, có gốc ti-gôn lưa thưa lá, tôi kể chuyện ngày xưa cho Thái nghe. Chuyện của một phần tư thế kỷ trước mà âm vang rõ mồn một trong lòng người nghe, mà tươi rói sũng ướt lời người kể. Cậu bé xúc động ngồi yên uống cà phê. Những ngón tay dài thon hơi run. Mái tóc mềm nhẹ cúi xuống tách nước óng ánh  ráng chiều.
 
  Tôi nghiêng đầu ngẫm nghĩ, rồi  bảo rằng lần đầu tiên khi nhìn vào đôi mắt có màu nâu quá nhạt của Thái, tôi đã thấy có gì giao động trong lòng. Đó là màu mắt của cậu em họ rất thân của tôi. Màu nâu quá nhạt, lại trong, y như có thể nhìn thấu suốt vào đáy mắt.  Thái nói nó cũng có cảm giác y hệt như tôi vậy, khi vừa nhìn thấy tôi trong cafeteria đầy người xa lạ.

  Hy  vọng mùa xuân này sầu đông sẽ có hoa, cho tôi lại được hít hà mùi hương xưa, và cho cháu tôi, Thái, biến được mùi hương huyền diệu của lời mẹ kể thành một mùi hương có thực.
                                                                                                                              Thạch An
Mùa hoa sầu đông 1996.
  
         
       

 



30-4