Về quê 1992

 


Nhà thờ Trí Bưu. Bức tường và sườn gỗ của nhà thờ cũ  đổ nát do bom đạn. Nhà thờ “ tạm” xây trong lòng nhà thờ cũ.


“Văn phòng” cha xứ Trí Bưu là phòng áo cũ, cửa sổ dán bằng ni lông, tường lỗ chỗ vết đạn.

1994

Trong nhà thờ Trí Bưu. Hoa đang nói chuyện với các em nhỏ . Đi khắp làng, vào 3 quán mua hết bánh kẹo  vẫn không đủ chia cho các em. 

1992
Cậu, cha xứ giáo xứ Lương Điền. Phòng làm việc và tiếp khách  liền với "phòng ngủ" gồm cái giường sắt trải chiếu đơn sơ .

Hai chị em trước nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế.

Dừng chân đâu đó giữa miền thuỳ dương..
---------------------------------------

Tùy Bút

 

Lối Cũ Vấn Vương

 

Xuân 1992 

             Tôi rời bỏ Quảng trị trong màn lửa đạn rực trời của mùa hè 1972. Gần hai mươi năm sau, 1992, lòng tôi xót xa vô ngần khi tìm về lối cũ trong một buổi chiều mưa tầm tã.

  Chiếc xe mướn vội, cũ rích, lắc lư cố gắng trườn đi trên con đường hư hỏng, nhấp nhô đầy ổ gà sũng nước. Vẫn ngồi trên xe mà đầu gối tôi bắt đầu run. Tim tôi bắt đầu trật nhịp. Bồi hồi, xúc động, có đủ cả.Trời mưa làm cho cảnh vật thêm tiêu điều trắng trợt. Dăm nương sắn lưa thưa, vài luống khoai èo uột bao quanh những nóc nhà tranh xiêu vẹo. Qua khỏi đoạn đường ngày xưa là đại lộ kinh hoàng vẫn còn đầy dấu tích của những khung xe móp méo rỉ sét là vào vùng Hải Lăng đất cát khô cằn. Trên đoạn đường ngoằn ngoèo loang lổ ấy, hiện ra hình dáng hai em nhỏ đang khiêng một bó củi. Thật, chỉ đúng có một bó củi thôi ở giữa hai thân xác nhỏ bé đang di chuyển. Bó củi có lẽ đang tươi, vì hai cái thân xác ốm o bé tí kia khòm đi, lãnh chịu sức nặng của bó củi ướt đang đè xuống. Trong màn nước mưa mù mịt, và đôi mắt đang mờ dần vì đầy lệ, tôi ngoái lại nhìn: áo các em lem luốc rách tả tơi đang dính sát vào thân mình, quần đùi ngắn ngủn bạc màu phập phờ theo hai đôi chân nhỏ bé chạy lúp xúp. Tôi rên nhỏ trong lòng, “em ơi, đi kiếm củi cho mẹ nấu bếp, hay làm củi để bán? Khổ thân em. Em có được đến trường không hở em, hay chỉ biết đi làm củi làm rẫy nương, khốn khổ kiếm cái ăn?”. Một đoạn nữa, ơ kià bên lề đường một cái bóng nhỏ lom khom trờ ra đưa tay vẫy vẫy, khuôn mặt xanh tái ấy nở ra nụ cười méo mó vì hàm răng sún, đưa cánh tay khỏng khoeo chỉ chỉ vào những bó củi chất bên vệ đường. Những bó củi có che tấm ni lông cũ, nhưng em thì không, ướt nhẹp, co rúm! Xe chúng tôi vượt qua, nụ cười em tắt ngủm. Tôi hiểu ra: em đang bán củi. Tôi bần thần. Miệng tôi thêm đắng chát. Một mảnh nilông cũ rách, em không dùng để che tấm thân ốm o đang run cầm cập vì ướt lạnh. Tấm nilông quý báu ấy đã được cẩn thận che cho bó củi:  tài sản của em, cơm gạo của em, hay tiền thuốc cho mẹ cho bà?

 Xe đưa tôi qua Long Hưng, rẽ vào Thạch Hãn, ngang qua ngôi trường trung học thân yêu bể nát, rồi quẹo xuống Trí Bưu, đây từng là những đường xưa lối cũ của tôi, là con đường làng đầy bóng mát ngày xưa theo bạn tôi tha thướt áo dài trắng ghé chơi, là những cánh đồng lúa xanh rì tôi đã từng mê mẩn ngắm nhìn, là con đường tôi và các bạn cùng lứa tuổi thủa thanh xuân đã từng lang thang trong những chiều hè êm ả. Con đường ấy, hôm nay đầy đất đỏ quyện với đá dăm đen thủi. Các em bé đang tan học về. Năm bảy em chia nhau một tấm ni-lông lớn trên đầu. Áo quần phong phanh không đủ chống cái lạnh mùa đông. Những đôi chân nhỏ bé thiếu guốc dép chạy nhanh trên con đường phủ đầy đá dăm lởm chởm. Mùa đông Quảng trị. Lạnh. Áo quần không đủ. Lạnh hơn. Mưa ướt người. Rét cóng. Tuy đang chịu đựng cái lạnh cắt da, những khuôn mặt tái ngắt vì lạnh ấy cũng nở ra những nụ cười răng sún sáng rỡ nhìn chúng tôi. Ôi những tiếng cười đùa ríu rít dễ thương của trẻ thơ. Tôi lại nhủ lòng: “em ơi, ăn không no, mặc không ấm, đường quá xa, rồi em còn cố gắng tiếp tục đến trường được bao lâu nữa. Những con đường sỏi đá này có làm em nhũn chí, hay những thiếu thốn của cuộc sống sẽ làm em ngã lòng, rồi em chỉ biết loanh quanh với gánh củi, với luống khoai…”?

Đường tôi đi xưa tuy cũng lao đao nhiều bận vì chiến tranh, nhưng thế hệ tôi đã vượt qua. Còn các em bé này thì sao, có ai dẫn bước chỉ đường, có ai đỡ nâng?

 Tôi tự hỏi lòng: mình có giúp được gì cho bước đường em đến trường được gần lại, để em có thể học biết thêm đôi chút văn hóa, cho đời em mai này bớt lao khổ. Mình làm được gì để đường xưa lối cũ của mình vẫn còn đẹp không những chỉ trong ký ức, mà cho các em bây giờ và mai sau. Câu hỏi đó vẫn mãi hoài trong tôi từ mùa Xuân giá rét năm ấy. Và cũng từ đó, tôi đã đem cái khả năng rất hạn hẹp của mình để góp phần làm cho lối đi của một số em được bớt sỏi đá, bớt chông gai hơn, cho em có được một tương lai bớt tăm tối hơn. Đường em đi, mong rồi cũng tìm được chút ánh sáng hy vọng.

 

30-4