Dạy
cho tôi những bài học đầu đời là một bà đã vào tuổi trung niên. Giọng trong
veo, bà tập cho tôi những bài vè, bài hò, câu kinh, và những bài thánh ca. Bà đọc, tôi lặp lại cho đến
khi thuộc nằm lòng rồi ê a hát một mình ơi à ru hời mấy con búp bê làm bằng vải
xanh đỏ. Khi tôi đã có trí khôn, thi` kèm theo
với mỗi bài mỗi câu là những lời cắt nghĩa và dạy dỗ ân cần. Bà cũng chỉ
ra cho tôi thấy được ánh trăng như những giải lụa vàng óng ánh huyền hoặc trong
"Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô
múc ánh trăng vàng đổ đi", hay cái màu sắc trinh trắng tuyệt vời và
trung chính của đóa “hoa sen gần bùn mà
chẳng hôi tanh”, hoặc sự tương phản giữa "ao nước lã" lạt lẽo và "giọt máu đào" vô cùng quý hóa…vv.
Cứ như thế cho đến khi tôi cắp sách đi học lớp mẫu giáo ở cái miễu gần nhà. Lúc tôi đem
bài vở ra tập viết, bà ngỏn nghẻn nói "Út cho mạ học với!" thì tôi mới
vỡ lẽ ra cái sự không biết đọc của mạ tôi. Phải, đúng là chuyện của mạ con tôi.
Ai mà ngờ đâu bây lâu nay bà đọc thơ , ngân nga ca dao, hát kinh làu làu,... mà
lại không biết chữ! Gì mà kỳ cục, chi mà quê kệch. Với cái trí óc non nớt của đứa bé mới 5,6 tuổi,
tôi giận mạ. Bà dỗ dành "hay là mình chơi trò chơi, con làm cô giáo, mạ là
học trò hỉ". Tôi nghe theo, cho bà "học chung" tuy trong lòng vô
cùng bực bội, và nhất quyết không để cho mấy con bạn hàng xóm biết sự việc này.…
Tại sao tôi cầm bút ngóay nguyệch ngoạc
mấy đường ngang dọc là ra ngay cảnh con thuyền chập chùng trên sóng nước giữa
biển trời bao la thêm ông mặt trời oai vệ
treo lủng lẳng, còn bà thì gò bút bặm môi trợn mắt vẫn không khép nổi vòng tròn
cho cái chữ o méo xẹo, còn cái nón cho chữ ô thì gió thổi ra xa tít hờ hững vắt
vẻo một bên, lại cạnh thấp cạnh cao?!
Tôi
không hiểu được tại sao đôi tay ấy, dù hằng ngày phải lo cơm nước bếp núc bụi bậm,
phải kéo từng gầu nước giếng nặng nề, phải chăm đàn gà lo thêm đàn vịt, trồng mấy
luống rau cùng vài bụi chuối... vẫn trắng trẻo nuột nà mềm mại lạ lùng, mà tôi
vẫn cứ thích ôm lấy tẩn mẩn mân mê; cũng đôi bàn tay ấy đã cho tôi biết bao
bánh cam, bánh ú ngon thơm, bao hũ mắm vại dưa ngọt lịm, đôi bàn tay ấy may cho
tôi những bộ đồ xinh xắn mỗi độ Xuân sang... mà lúc cầm cây bút chì nhẹ bâng nhỏ
có tí ti thì y như vác khúc gỗ nặng hơn cái cột nhà. Thế là cô giáo tí hon giận,
thước kẻ cứ thế mà phết vào, còn người học trò thì vẫn kiên nhẫn gò từng nét.
Từng ấy
tuổi, tôi đâu hiểu được rằng tháng ngày xuân trẻ của mạ đã rải khắp từ ngoài đồng
áng, đến bên khung cửi rồi lại kề các
con; tôi đâu hiểu được rằng vào đầu thế kỷ 20 thì chuyện học chữ không hề
có trong tự điển của người phụ nữ vùng nông thôn.
Thế,
mà mạ tôi nhất quyết học. Tối tối, những ngón tay trắng ngà níu lấy cây bút. Đôi môi đượm vết cốt trầu duyên dáng chu lên,
méo lại theo từng nét bút dọc ngang trang trọng đặt lên trang giấy. Kiên nhẫn học.
Mầy
mò gò ép mãi, rồi mạ cũng tự viết được tên của các con. Nhưng chỉ viết được chừng
đó dường như đã đủ. "Tay mạ cứng rồi, tập viết khó lắm, thôi mạ học đọc
thôi Út hỉ". Mạ chăm chỉ học đánh vần xuôi vần ngược. Khi tôi lên trung học
thì mạ cũng đọc khá giỏi rồi. Bà có thể đọc báo để cùng bàn luận với cha
tôi, tuy có khi ông phát cười vì bà đọc
sai dấu nên hiểu nhầm nghĩa. Mỗi sáng đi chợ về, dấu dưới cái nón lá quai nhung
đen là tờ Xây Dựng hay đôi khi tờ Chính Luận. Bà hãnh diện khi tự học thêm kinh
hay những bài thánh ca mới mà không cần tôi giúp. Mắt mạ tôi mơ màng đổi sang long lanh sáng nói
rằng rồi đây bà sẽ
được tham dự lễ ra trường của các con, mà đặc biệt sẽ mãn nguyện vô cùng trong
ngày đứa con thứ tư được bước lên bàn thờ dâng thánh lễ đầu tiên, bà sẽ có thể
tự mở sách hát hòa giọng ca với tất cả mọi người trong ngôi thánh đường cổ kính
uy nghi.
Mấy
mươi năm sau, tôi vẫn còn hình dung được khung cảnh vô cùng đầm ấm lúc ấy: tôi
ngồi học bài, chị tôi ngồi đan áo, cha mạ tôi ngồi đọc báo và trò chuyện trao đổi.
Nhưng
khung cảnh đầm ấm mỗi tối ấy đã ngưng khi tôi vào lớp 10. Mạ tôi bị giữ chặt
trên giường bịnh. Bà không còn cùng cha tôi ngồi đọc báo mỗi tối. Tôi đem báo
vào đọc cho mạ hằng ngày khi vừa đi học về rồi huyên thuyên kể chuyện trường lớp bạn bè. Tôi
tâm sự với bà mọi chuyện vui buồn cùng tất cả nghĩ suy của tuổi mới lớn. Bà lại
dùng nó mà dạy dỗ khuyên lơn tôi. Mạ
con ríu rít chuyện trò đã là sinh hoạt hằng ngày của tôi. Cho nên một hôm của
tháng 5 năm ấy, cũng theo thói quen cũ, đi học về, trong vô thức tôi ôm cặp chạy
ào thẳng vào phòng mạ, rồi khựng lại đứng sững: chỉ còn cái giường chỏng trơ lạnh
lẽo. Căn phòng trống trải: Đưa mạ về với đất cả tuần rồi mà tôi vẫn chưa bỏ được
thói quen hay tỉ tê cùng mạ. Lúc đó tôi mới thấm: tôi đã mất mạ, vị thầy tận tụy
đầu đời, “em” học trò chăm chỉ thứ nhất, người bạn tâm giao đầu tiên. Tôi mười
sáu tuổi. Mười sáu mà thiếu bầu bạn để tâm sự, để nêu ngàn ngàn câu hỏi của thưở
mới lớn ngờ nghệch đang ngỡ ngàng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Mười sáu, trăng
không tròn mà lẹm khuyết tội tình. Ánh trăng vàng sóng sánh ngày xưa ấy đã vỡ
tan trong cái gầu sòng của cuộc đời, tàn
nhẫn hắt thẳng vào tôi những vục nước lớn
cho bão lũ tiếp với phong ba.
***
Buổi
chiều dưới chân đèo Hải Vân êm ả. Chỉ có
tiếng vi vu của hàng phi lao hòa quyện với
tiếng rì rầm của sóng biển vọng lại. Anh em tôi quỳ tưởng niệm bên khu mộ cha mạ.
Những mái tóc nay đã bạc. Kỷ niệm xưa vẫn
giữ tươi xanh, lời mạ dặn còn vang rõ trong tâm khảm.
Nhớ
nét chữ cong queo. Nhớ nụ cười hiền hậu.
Nhớ giọng nói trong veo. Nhớ nét môi tươi viền vệt trầu đỏ thắm duyên dáng. Nhớ,
nhớ quá.
Viếng Mộ, Xuân 2014