Friday, March 6, 2015

Củ Khoai Mùa Đông Năm Ấy

Tùy bút
 



Trong một ngày, có lẽ thời gian thoải mái nhất của tôi là lúc lái xe đi làm. Ngày còn rất non, màn đêm chưa vén nên nền trời còn đen kịt. Tôi cứ đi theo luồng xe, những đốm đỏ kéo thành vệt dài không dứt lập lòe trước mặt, chậm,  nhanh cũng mặc.... Và thế, tôi thả tâm trí vẩn vơ  về những ngày tháng cũ. Như sáng nay thôi, trong màn trời đen của một ngày đông lạnh tôi bỗng dưng nhớ đến  củ khoai ấm tình của một mùa Đông xưa.

 Một củ khoai! Bạn chớ vội cười. Hãy cùng tôi sống lại khung cảnh ấy. Cho dù bụi thời gian đã phủ dày nhưng kỷ niệm vẫn còn đó y nguyên.

Mùa đông 1978, tôi được lệnh đổi đi vùng kinh tế mới vừa thành lập ở ven rừng cách thị trấn độ 10km. Thông thừơng việc thuyên chuyển giáo chức xảy ra vào dịp hè, trước ngày khai trường. Có lẽ tôi là trường hợp đặc biệt: bị đổi khi chưa thi học kỳ I. Tôi vác ba lô đi bộ theo đường đất đỏ khúc khuỷu gập ghềnh vào nhiệm sở mới. Dân chúng là gia đình của các vị đang đi "cải tạo", gồm những bà mẹ trẻ với đàn con thơ cùng các cụ già ốm yếu, có lẽ họ đã chưa từng phải làm lụng chân tay khổ nhọc nay "được" lên khu rừng  mới khai phá để sống trong những căn nhà hay những cái lều tạm bợ bám vào cánh rừng khô. Tôi ở trong một góc nhỏ ngăn từ cái lán để củi và dụng cụ làm vườn, nghe đâu là của thanh niên xung phong dựng lên để tạm trú  trong những ngày họ lên giúp khai phá rừng: vách bằng lá chỉ cao ngang tầm mắt, và mái tranh thưa rếch thưa rang đến nỗi có thể ở trong lán mà ngắm trăng đếm sao được. Nó không che được gió mưa và sương đêm nơi chốn rừng sâu chướng khí. Tối đến tôi phải trùm tấm nilon lên ngoài mền, nếu không thì sẽ bị ướt đẫm vì sương đêm nặng hạt. Nhưng có lẽ cái đáng sợ hơn hết là việc bị  đồng nghiệp xa lánh: Tội đã bị mặc cho một cái áo khác, áo mang màu của "tàn dư chế độ cũ", cái áo mọi người phải e dè tránh né.

Từ trong góc rừng xa vắng ấy, hơn lúc nào hết tôi ham muốn được đi nhà thờ. Có lẽ tôi cần chốn tựa nương. Có lẽ tôi muốn một mình lặng lẽ đi trong đêm tối để nghe bước chân mình, để được thả đầu óc tự do bay về đậu lại dù chỉ vài khoảnh khắc trên bờ tường mang tên tháng ngày cũ. Dạo ấy tất cả các thánh lễ ngày thường và chủ nhật phải được cử hành từ lúc sớm tinh mơ, không  cản trở giờ lao động. Để có thể tham dự thánh lễ, tôi khởi hành từ lúc 3 giờ sáng, gà còn chưa gáy sớm. Theo ánh sáng  lờ nhờ của ánh trăng bị che phủ bởi sương đêm dày đặc nơi vùng núi rừng cao nguyên, tôi đi qua khá nhiều đồi cây cỏ  lúp xúp, có đoạn xuyên qua những đồi trà đang bị bỏ ngơ xơ xác tiều tụy. Mới vài năm trước thôi những đồi trà này  rất trù phú, đã là nơi dừng chân của tôi và đám bạn trong những buổi rong chơi cuối tuần. Chủ nhân của chúng giờ lưu lạc phương nao, tôi tự hỏi. Lầm lũi bước đi trong cảnh trời đất mênh mông đen như mực, cùng với gió lạnh sương buốt, tôi thật sự rùng mình cảm nhận sự cô đơn chơ vơ tận cùng và nỗi lo sợ kinh hoàng về một ngày mai không định huớng.

Và đó là thời điểm tôi nhận được củ khoai.

Tối hôm ấy vừa xong buổi "sinh hoạt tập thể", thân xác rã rời bước về lán, mũi tôi hếch lên vì cái mùi thơm của khoai lang nóng. Lạ. Nheo mắt nhìn quanh cái lán tối mù, tôi thấy một củ khoai nằm chễm chệ trên bàn (bàn chỉ là một tấm ván cong queo treo lên vách  lá). Củ khoai bé chỉ bằng nửa  nắm tay lại còn méo mó.  Loại này ngày trước chẳng ai thèm lượm, thuờng bỏ lăn lóc lại ngoài nương để làm phân bón cho mùa tới. Bây giờ nó là nỗi ao ước của những người dãi dầu ngoài kia, là món quà quá quý báu với tôi. Dù trong cái lán trống trơn gió lùa bốn phía, nó vẫn thơm nức thơm lừng. Củ khoai còn rất ấm,  chừng như ai đó vừa lén bỏ vào. Tôi ôm  nó vào lòng hai bàn tay, đưa lên mũi, ấp lên má mà nước mắt rưng rưng: học trò cũng biết cô giáo thiếu ăn. Mà cơ khổ, chắc em cũng đang đói meo!  Rồi không phải chỉ nước mắt mà nước miếng tôi cũng ứa ra: thèm quá! Còn nhớ như in: Tôi đã bứt từng cọng rễ, xé từng mảnh vỏ mỏng như lụa bỏ vào miệng nhỏ nhẻ nhai, rồi mới trịnh trọng nhè nhẹ đặt răng vào củ khoai cắn từng miếng thật bé, ngậm mà nghe nó tan trong miệng, không dám nuốt cái huơng vị ngọt ngào ấy. Chao ơi không có củ khoai nào thơm ngon như thế. Không biết em nào trong đám thiếu niên còm cõi ốm o kia đã can đảm nhường củ khoai quý báu ấy cho cô giáo để tôi nói lời cảm ơn. Củ khoai đã làm cho lòng tôi ấm lại. Nó không còn là một củ khoai ốm o méo xẹo mà tròn trịa no đầy tình yêu thuơng sẻ chia, nó thơm ngát tình người nơi thâm sơn cùng cốc. Củ khoai như là một tín hiệu của sự bảo bọc bao che? Tôi không đoan chắc nhưng từ đó sự cô đơn trong tôi bớt ray rứt kinh hoàng.
                         
 0o0o0o0
Bây giờ mỗi lần đi cắm trại, bên ngọn lửa hồng nhảy nhót, trong lúc các bạn quây quần với rổ khoai nướng thơm lừng nói chuyện và đàn hát rôm rả, tôi nhón lấy môt củ, lui về phía sau tựa lưng vào gốc cây, ôm củ khoai thơm ngát nóng hổi vào lòng hai bàn tay, nhắm mắt nhớ về củ khoai đầy tình nghĩa năm nào. Qua ánh lửa bập bùng và rèm mi nhòe ướt, củ khoai trong tay bỗng bám đầy những hạt kim cương lóng lánh, như kỷ niệm xưa còn sáng mãi và bài học quý vô ngần về sự đùm bọc sẻ chia  sẽ không bao giờ lụn tắt trong lòng tôi.
             

30-4