Hương Sầu Đông
truyện
Thomas Nguyễn đến làm việc chung nhóm hơn chừng một tháng rồi, mà tôi vẫn chưa có dịp nói chuyện riêng với cậu. Tôi có cái thói xấu là ít bắt chuyện với 'ma mới ', nhất là lại ma mới người Việt. Cứ sợ người ta nghĩ là mình đang dở trò ma cũ hù ma mới. Với lại, lúc này công việc cũng bề bộn quá. Thời buổi kinh tế khó khăn, các hãng xưởng đua nhau downsizing, sa thải nhân viên hàng loạt. Kẻ thiếu may mắn thì khăn gói ra đi, người thoát sổ đoạn trường lại cũng chẳng may mắn hơn chi mấy, vì phải làm việc gấp đôi gấp rưỡi. Tôi cũng không thoát khỏi cảnh đó, lu bu loay hoay tối ngày. Cho đến một hôm, tôi đang ngồi ở cafeteria uống vội ly cà phê sáng thì Thomas xề vào ngồi chung bàn và mở đầu câu chuyện :
- Nghe các anh chị ở đây nói là chị khó tính
lắm, ít nói chuyện lông bông, em nghe mà sợ quá.
-
Sợ? Thế sao còn đến bắt chuyện?
- Biết rồi mà, tóc gáy em cũng dựng đứng lên nè, nhưng em cũng rán
liều, vì em nghe nói chị An người Quảng trị?
- Ừ, khỏi hỏi, nhìn tui nè: nước da xám xịt,
người gầy tong teo, đủ tiêu chuẩn của người xuất thân từ chốn chó ăn đá, gà ăn muối...
- ... đồng
khô, cày trên sỏi đá...
-
Cậu cũng thuộc bài dữ!
- Nhưng chị An thiếu giọng nói trọ trẹ...
Tôi thành thật:
-
Ừa, tại đi khỏi quê đã khá lâu rồi...
-
Chị An này, có nhiều khi em tự hỏi, mà chị đừng cười em nha, tại sao người ta
cứ nói giọng Huế, giọng Quảng trị là trọ
trẹ khó nghe? Mà, không phải là người ta chỉ nói chọc chơi đâu, em có đọc
thấy người ta viết trong văn trong truyện đàng hoàng nữa. Gì mà giọng nói trọ
trẹ? Trong lúc “giọng Bắc trầm bỗng”, “giọng Nam ngọt ngào”....Thử hỏi chứ ngày
xưa nếu tiếp sau các vua nhà Nguyễn đặt kinh thành ở Huế, thời Đệ Nhất Cộng Hoà
cứ chọn Huế làm thủ đô, đài phát thanh trung ương cứ thế mà nhả giọng Huế đi
khắp mọi vùng đất nước, thì giọng Huế sẽ phổ thông hơn, có khi thành tiếng
chuẩn biết đâu chừng...
Cậu này cũng rắn mắt. Tôi nghĩ. Cậu có vẻ muốn gân cổ lên rồi đây. Tôi dò
đường :
- Ái chà, nghe không hiểu nên người ta
nói vậy mà. Sao cậu thắc mắc dữ. Giọng cậu cũng lơ lớ thập cẩm, đâu có rơi vào
giọng miền Trung kỳ...cục đâu mà lo.
-
Chị nói vậy mà nghe được, giọng cuả quê chị, mà chị không binh sao?
- Binh thì làm sao? Ra đường Bolsa vác
theo cái bảng: giọng Huế êm như giòng
Hương Giang, hở? A, câu này hay hơn:
giọng Huế đậm đà như tô bún bò giò heo...
- Chị
An này giỡn quá, vậy mà thiên hạ nói chị ... khó chơi!
Tôi lườm chú nhỏ một cái thật dài rồi đứng dậy trở vào làm việc, cũng chẳng hẹn với chú làm gì, vì thấy chẳng có gì đặc biệt .
Thế nhưng, những
giờ còn lại ngày hôm đó tôi nghĩ nhiều
về làng Thạch Hãn, nơi đã ủ ấp tôi từ khi còn là một đứa bé sơ sanh cho đến khi
trở thành thiếu nữ. Tôi nghĩ về các ngôi trường tôi đã đến, để vui đùa, để học
tập rèn mài. Từ ngôi trường Nữ Tiểu học đơn sơ bên bờ sông Thạch Hãn, rồi
Trường Têrêxa Phước Môn gần nhà thờ có các soeurs nghiêm khắc, đến trường Nguyễn Hoàng
rợp bóng dương liễu gần bến xe. Bao nhiêu cái ghế nhà trường tôi đã mài nhẵn
bóng. Bao nhiêu kiến thức và đạo lý tôi đã thu thập được để trở nên người hôm
nay. Tôi có hữu ích cho quê nghèo của tôi tí nào không? Cái hoài bão ngày xưa
ôm ấp, giờ tôi đã thực hiện được chút nào chưa? Tôi bần thần suy nghĩ. Rồi tôi
lại thấy trong đầu tôi hàng ngàn hàng vạn kỷ niệm cũ kéo về, như lũ như lụt,
như gió như bão và tôi không còn chối cãi chạy trốn như tôi vẫn thường làm được
nữa. Tôi đầu hàng và ngồi thừ người ra cho ký ức hoành hành. Mắt tôi vẫn mở
nhìn trừng trừng mớ giấy tờ trước mặt. Nhưng tôi chỉ thấy Quảng trị. Tôi chỉ
thấy Thạch Hãn và một tôi-ngày-còn-bé ...
Tôi thấy tôi còn
14,15 tuổi, thỉnh thoảng nói dối là các soeurs cho nghỉ học sớm, trốn học đi
đò qua Ái Tử, Nhan Biều chơi . Ở đó có chuà Sư Nữ lúc nào cũng rợp bóng mát của
những hàng tre dày xanh mướt. Ngồi dưới những rặng tre này, nghe gió vi vu xào
xạc, nhìn tre lẳng lơ thả làn tóc mượt mà theo gió, yểu điệu soi mình dưới
giòng Thạch Hãn trong veo, tôi đã ước là tôi có thể làm thơ ... tả rặng tre.
Sau này, tôi lên cao nguyên, cũng gặp nhiều rặng tre đẹp, rồi tại Mỹ, cũng có
những rặng tre dày và xanh ngắt ở các công viên, nhưng không có rặng tre nào “ăn” được rặng tre chùa Sư Nữ trong tôi.
Tôi thấy mình
cùng đám bạn con gái đạp xe đi chơi khắp nơi, nào La Vang đất đỏ khô rốc, nào
Bích La xanh mát, nào Trí Bưu bát ngát lúa rì rào. Tôi thấy ngôi nhà nhỏ của
tôi có hàng sầu đông bao bốn phía.Tôi nhớ những tối mùa xuân ra sân hít đầy
ngực hương hoa sầu đông thơm sực nức. Tôi nhớ những ngày hè trèo lên cây hái
trái sầu đông hình dáng như những quả trứng nhỏ, để chơi đồ hàng buôn bán với
con bé bạn thân hàng xóm.
Nhưng, tôi cũng
thấy tôi phải cùng cha mẹ làm hầm tránh đạn pháo kích. Đêm, tôi không còn ngủ
với tiếng dế kêu rả rích tiếng gió ru cây rì rào nữa. Đêm bấy giờ, hoả châu
sáng rực mảnh trời con, tiếng súng ầm ì, tiếng máy bay gầm rú ồn ào. Rồi có
những đêm tiếng súng gần hơn, và sáng mai trở dậy thấy những hàng chuối hàng
dừa cụt mất ngọn. Có những sáng đến trường thấy chỗ ngồi của một đứa bạn nào đó
để trống, và trống mãi. Rồi mùa xuân, hoa sầu đông hé nở, tôi ra sân hít hà làn
hương tôi hằng yêu thích, tiếc thay tôi đã không thể hít mùi hương sầu đông
thơm nồng tinh khiết vào đầy lồng ngực
thiếu nữ , mà chỉ là mùi thuốc phát quang, mùi Agent Orange độc địa. Mùa xuân
năm đó, hoa chưa kịp nở, cây đã úa vàng, chết héo, như tuổi xuân của thế hệ
chúng tôi. Tôi thấy, mùa hè gió Lào thổi về nóng rát mặt, tang tóc phủ trùm
tỉnh lỵ bé nhỏ. Đó là muà hè đỏ lửa.
Tôi xa quê từ mùa hè ấy.
Rồi tôi cũng
thấy tôi những lần trở về. Trở về nhìn lại cái mảnh quê hương nhỏ bé điêu tàn tan
nát. Năm 73, cùng với các sinh viên ở Huế trở về thăm Thạch Hãn. Lần từng bước trên đống gạch vụn khổng lồ và dài như không
dứt, lòng tôi quay thắt quặn đau. Cái đau tinh thần đã biến nhập thành cơn đau
thể chất trong tích tắc mà một giây trước đó tôi đã không thể hình dung được.
Tôi đã hiểu được thế nào là cái đau đứt
ruột. Trưa mùa hè nóng gay gắt, mà tôi run, tay chân tê cứng. Tôi bước đi
trên những đám gạch vụn chẳng còn một viên nào nguyên vẹn. Đứng trên một nền
gạch cũ nát tan, chung quanh, những cành sầu đông mới đâm chồi từ gốc cũ đã bị
bom đạn chém gãy, tôi bỗng bàng hoàng nhận ra rằng tôi đang đứng trên chính căn
phòng của tôi ngày trước. Này đây, gốc sầu đông ngày xưa tôi vẫn trèo hái trái
cho anh tôi làm đạn bắn chim. Này đây,
hàng sầu đông đã cho tôi những muà hoa thơm ngát...Người tôi bỗng đổ gập
xuống, sóng soài....
Ký ức tôi đã dẫn tôi về thăm một Quảng trị êm đềm rồi lại tống tôi sang
những ngày đen tối nhất rồi đây. Tôi đứng dậy đi lang thang ra
ngoài hành lang. Tôi muốn trốn chạy những cơn đau đang trỗi dậy trong lòng.
Những cơn ác mộng mà tôi cố tránh, cố quên, cố nhận chìm một cách tuyệt vọng
đang trở về trước mặt tôi một cách sừng sững ngạo nghễ. Tôi buông xuôi đầu
hàng. Thẫn thờ, tôi như một cái xác vô hồn giữa những sinh hoạt ồn ào tíu tít
của một chỗ làm đông người xa lạ .
Giờ ăn trưa hôm sau, và những hôm sau nữa,
Thomas, hay Thái, lò dò dẫn xác đến bàn tôi. Có cậu ta nói chuyện tầm phào, buổi
ăn trưa cũng đỡ buồn tẻ. Một hôm, câu chuyện dẫn tôi đến một ngõ ngách khác của
ký ức đã từ lâu bị đóng kín:
-
Chà, giờ này mà có tô bún bò thì hết sẩy chị hỉ ?
-
Thôi chú ơi, ăn thịt nát kẹp bánh mì thiu cho quen đi, ở đó mà vớ vẩn hoài..
-
Ăn và mơ là hai chuyện khác nhau chứ chị, như em nè, chưa bao giờ được đặt chân
đến Quảng Trị mà em vẫn nghĩ rằng giòng Thạch Hãn chắc phải êm đềm lắm và hoa
sầu đông phải thơm nồng nàn và xinh hơn mọi thứ hoa trên đời.
Tôi giật mình sừng sộ:
- Chú nhỏ có liên hệ mắc mớ chi với quê tui mà
lôi quê tui ra chọc ghẹo hoài hử. Bộ muốn chê quê tui
là nghèo nàn quê mùa à ? Coi chừng nghe!
- Ý, chị đừng nói vậy, em quê quán Quảng Trị
mà, chị muốn em đem trình chị khai sinh của em không? Em sinh ở Đông Hà đó
chị.
- Chú
ở Đông Hà thì phải biết nhiều về Quảng Trị chứ, sao lại hỏi vớ hỏi vẩn sông
Thạch Hãn với hoa sầu đông...
Giọng Thái bỗng hạ xuống thật thấp, tôi
nghe như tiếng thở dài. Không, như tiếng dội
từ một nơi nào đó, mơ hồ, xa lắm:
-
Không chị ạ. Em chỉ biết về quê mình qua lời me em kể thôi. Mà me thì kể về
Quảng Trị như về một chốn thiên đàng đẹp vô tưởng -tiếng Thái đứt đoạn- Nhưng me không nói nhiều về quê
đâu. Thường thì me chỉ nói vắn tắt vài câu, rồi mơ màng suy nghĩ, có khi me lại
khóc nữa.
- Chắc mẹ chú nhớ quê ?
- Dạ chắc vậy. Mà cũng có thể vì me nhớ ba.
- Ba chú không cùng vào trong Nam năm 72 sao. Muà hè đỏ lửa đó, ba chú không chạy hở ??
- Dạ dạ... ba em mất trận hạ Lào.
Thái cúi đầu giọng thật thấp như thì thầm, nhưng tôi nghe như nghe bằng con tim. Trận hạ Lào. Tôi cũng có người em họ rất thân đã hi sinh. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt nâu nhạt của chú nhỏ, lúc đó đang cúi xuống trốn ánh mắt dò hỏi của tôi:
Thái cúi đầu giọng thật thấp như thì thầm, nhưng tôi nghe như nghe bằng con tim. Trận hạ Lào. Tôi cũng có người em họ rất thân đã hi sinh. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt nâu nhạt của chú nhỏ, lúc đó đang cúi xuống trốn ánh mắt dò hỏi của tôi:
-
Thái có nghe me nói ngày xưa me ở xóm nào không?
- Dạ, me nói me ở gần trường Têrêxa đó chị.
Tôi gấp gáp:
-
Đừng giận tôi nghe, ba me em tên gì vậy ? Có thể tôi quen à!
- Dạ ba là Thông,
me là Dạ Lê.
- Trời ơi, Thông,
Dạ Lê....
Như có một luồng
điện cao độ chạy suốt qua thân thể, tứ chi tôi lạnh ngắt, mặt tôi chắc xanh tái
lắm, vì Thái hoảng hốt kêu:
- Chị An, chị sao vậy? Chị sao vậy, chị An!
Giây lâu, tôi cố trấn tĩnh và bảo Thái :
- Chiều tan sở, nếu không có gì phiền, Thái đến nhà cô nhé. Nhà cô có cây sầu đông bé.
Lúc đó là buổi chiều cuối hạ của những ngày tháng thanh bình, tôi và Dạ Lê - cô bạn hàng xóm có mái tóc
mây dài che kín lưng - đứa nằm đứa ngồi
vắt vẻo trên cây sầu đông ngoài ngõ. Chúng tôi nắm một nắm tay đầy trái sầu đông xanh để ném chọc ghẹo
người qua đường.
Dạ
Lê đang đọc Tuổi Hoa thì tôi gọi nhỏ :
- Ê, mi, có một anh chàng đang đi qua đó.
- Mi dị òm, ai
mà chọi đạn con trai ...
- Mi mắc cở hả
Dạ Lê ? Để tau chọi cho coi...
Thế là tôi cứ vậy mà pháo kích vào...
đầu địch thủ. Một trái trật, rồi hai trái rơi, trái thứ ba tôi nheo mắt ném
thật mạnh trúng ngay trên cái mái tóc bồng bềnh màu nâu nhạt. Địch thủ nhìn
quanh tìm kiếm. Khi ngửng lên thấy hai
đứa con gái ngồi vắt vẻo trên cây đang nhe răng cười khúc khích cầu hòa, chàng
ta mở tròn mắt nhìn sững rồi lăm lăm đi
vào nhà tôi. Tôi hoảng hồn hoảng vía sợ sệt, nhưng cũng lầm bầm: đồ con trai gì
mà hèn, bày đặt vô méc mẹ người ta nữa chứ...
Mà thiệt, chút xíu sau mẹ tôi đi ra sân và gọi
tôi:
- An à, em Thông con cô Út đến chơi con à,
vô đây làm quen với em đi.
Tôi bật cười leo xuống, kéo theo con nhỏ Dạ Lê
đang run vì sợ đòn.
Bấy lâu nay cô Út tôi ở Huế, và Thông thì ở nội trú nên tôi chưa hề biết
mặt. Sau buổi 'đạn rơi' đó, chúng tôi thành bạn và chơi khá thân với nhau.
Thông học hơn chúng tôi hai lớp và tính
tình hiền hòa dễ thương, rất khéo tay, lại
hay giúp chúng tôi làm bài vở. Ba
mẹ Dạ Lê có cửa hàng buôn bán, thường về nhà trễ nên chúng tôi dùng nhà của Dạ
Lê để học bài cho yên tĩnh. Chúng tôi chơi thân tay ba như thế, bỗng một hôm
tôi chợt nhận ra hình như Dạ Lê ít hiểu bài hơn, và Thông phải ở lại lâu hơn
bình thường. Đã 16, nên tôi
hiểu Thông và Dạ Lê không muốn sự có mặt tò tò vô duyên của mình bên
cạnh nữa. Tôi kiếm cớ vắng mặt. Tôi thấy Dạ Lê cắt tóc ngắn, bảo rằng hè
rồi, để tóc dài nóng quá, tôi ngẩn ngơ
tiếc mái tóc mây óng ả mượt mà. Tôi rút dần và xa dần con bạn hàng xóm dịu
dàng và cậu em họ dễ mến. Tuy mất bạn để
tâm sự và cậu em họ để nhờ vã, tôi cũng
cầu mong họ hạnh phúc. Hai người đều thật hiền, nhu mì dịu dàng. Họ thật xứng
đôi. Tôi nghĩ thế.
Nhưng, sự đời đã không êm đềm như
tôi tưởng. Một năm sau, bom nổ trong cái gia đình khuôn phép gò bó của
chúng
tôi, khi cô Út tôi sang khóc với cha tôi rằng Thông và Dạ Lê sắp cho cô
một
cháu nội ngoài vòng lễ giáo. Ai có thể ngờ đâu, cái xã hội Quảng trị
nhỏ
bé rất khuôn khổ khắt khe đó đã sinh mà không dung dưỡng mối tình của
bạn tôi. Dạ Lê được gửi ra Đông Hà. Thông quay quắt buồn và
bỏ nhà đi lính. Cô tôi mất. Dượng tôi đem con đi nơi khác. Tôi chúi đầu
vào sách
vở chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài I. Làng xóm quên dần chuyện tình Thông
&Dạ
Lê. Thỉnh thoảng về phép, Thông vẫn ghé thăm Ba mẹ tôi và lấy xe Honda
phóng đi biệt tăm vài tiếng.
Một buổi chiều thật nóng mùa hè, gió Lào thổi từng hơi thở oi nồng đặc
quánh về thị trấn, Thông ghé lại quyến luyến từ giã cha mẹ tôi, bảo rằng sẽ ra
trận Hạ Lào, và dặn tôi ở nhà nhớ đọc kinh cầu nguyện cho Thông được bình an.
Ra đến gốc sầu đông già trước ngõ, Thông quay lại bảo tôi :
- Chị An nhớ không, chị và Dạ Lê chọc phá em từ trên
cây sầu đông này đây. Ui chao, lúc em ngửng đầu lên tìm thủ phạm, thấy Lê xoã
tóc trốn nửa mặt, những cánh hoa tim tím nho nhỏ vương đầy mái tóc dài... làm
em ngơ ngẩn. Thiệt không có bức tranh nào đẹp hơn.
Tôi ôm cánh tay Thông :
- À, rứa thì phải cảm ơn cây sầu đông làm mai làm mối đó. Thôi sẵn hoa
đang nở, đem theo một ít để nhớ người...
Tôi chọc thế mà Thông làm thiệt. Anh chàng
vơ một nắm lớn nhét vào ba lô, rồi cười cười :
- Để lỡ em có chết cũng chết thơm. Thơm mùi
hương sầu đông đầy kỷ niệm, chị hỉ.
Hai tuần sau đó, Thông tử trận. Dưới đáy ba lô của Thông, là
những kỷ vật của họ, đôi tình nhân một thời làm xôn xao thị trấn nhỏ: mái tóc
mây của Dạ Lê được cẩn thận đặt trong hộp thiếc với lời thề sắt son của nàng;
một hộp đầy những bức thư tình hai người viết cho nhau, mấy cuốn nhật ký và cuối cùng là một hộp nữ trang thật bé đựng
cặp nhẫn cưới còn mới tinh. Đôi nhẫn
cưới còn y nguyên, không tì vết, như mối tình đơn sơ mà thủy chung son sắt của họ.
An táng Thông, tôi gởi theo một bó sầu đông to tướng. Những lần thăm mộ,
tôi mang hoa sầu đông rải đầy chung quanh. Những lúc ngồi bên mộ người em họ
thân thiết, tôi nhớ Dạ Lê và tuổi nhỏ quay quắt. Nhớ, nhưng tôi không tìm đâu
ra được nàng vì mùa hè đỏ lửa đến, nhà cửa tan nát, xóm làng thiêu rụi và người thân mất nhau. Dân Quảng trị tủa
ra tứ phiá ngơ ngác như đàn gà con chưa ra ràng đã mất mẹ: toán tạm cư Đà nẵng,
toán di dân vào Cam Ranh, toán khai hoang Bình thuận, toán chắp vá cuộc đời ở
Phan Rang. Tôi ôm sách ở lại Huế.
o O o
Chiều cuối đông California hơi lạnh. Vài vệt nắng còn vương vải trên
ngọn dừa kiểng, nắng quá yếu ớt thoi thóp không còn hơi ấm dể đủ sức
đánh tan cái giá buốt đang
ngập ngừng về. Gió thì thào mơn man khóm trúc. Trong cái chòi gỗ
lợp tranh nơi góc vườn sau nhà, có gốc sầu
đông nhỏ mới trồng, có gốc ti-gôn lưa thưa lá, tôi kể chuyện ngày xưa
cho Thái
nghe. Chuyện của một phần tư thế kỷ trước mà âm vang rõ mồn một trong
lòng người
nghe, mà tươi rói sũng ướt lời người kể. Cậu bé xúc động ngồi yên uống
cà phê. Những ngón tay dài thon hơi run. Mái tóc mềm nhẹ cúi
xuống tách nước óng ánh ráng chiều.
Tôi
nghiêng đầu ngẫm nghĩ, rồi bảo rằng lần
đầu tiên khi nhìn vào đôi mắt có màu nâu quá nhạt của Thái, tôi đã thấy có gì
giao động trong lòng. Đó là màu mắt của cậu em họ rất thân của tôi. Màu nâu quá
nhạt, lại trong, y như có thể nhìn thấu suốt vào đáy mắt. Thái nói nó cũng có cảm giác y hệt như tôi
vậy, khi vừa nhìn thấy tôi trong cafeteria đầy người xa lạ.
Hy vọng mùa xuân này sầu đông sẽ
có hoa, cho tôi lại được hít hà mùi hương xưa, và cho cháu tôi, Thái, biến được
mùi hương huyền diệu của lời mẹ kể thành một mùi hương có thực.
Thạch An
Mùa
hoa sầu đông 1996.
Người Học Trò Đầu Tiên
Tùy bút
Chiếc xe mướn vội, cũ rích, lắc lư cố gắng trườn đi trên con đường hư hỏng, nhấp nhô đầy ổ gà sũng nước. Vẫn ngồi trên xe mà đầu gối tôi bắt đầu run. Tim tôi bắt đầu trật nhịp. Bồi hồi, xúc động, có đủ cả. Trời mưa làm cho cảnh vật thêm tiêu điều trắng trợt. Kia dăm nương sắn lưa thưa, đây vài luống khoai èo uột bao quanh những nóc nhà tranh xiêu vẹo. Qua khỏi đoạn đường ngày xưa là đại lộ kinh hoàng vẫn còn đầy dấu tích của những khung xe móp méo rỉ sét là vào vùng Hải Lăng đất cát khô cằn. Trên đoạn đường ngoằn ngoèo loang lổ ấy, hiện ra hình dáng hai em nhỏ đang khiêng một bó củi. Vâng, chỉ đúng có một bó củi thôi ở giữa hai thân xác nhỏ bé đang di chuyển. Bó củi có lẽ đang tươi, vì hai cái thân xác ốm o bé tí kia khòm đi, lãnh chịu sức nặng của bó củi ướt đang đè xuống. Trong màn nước mưa mù mịt, và đôi mắt đang mờ dần vì đầy lệ, tôi ngoái lại nhìn: áo các em lem luốc rách tả tơi đang dính sát vào thân mình, quần đùi ngắn ngủn cũ rích phập phờ theo hai đôi chân nhỏ bé chạy lúp xúp. Tôi rên nhỏ trong lòng, “em ơi, đi kiếm củi cho mẹ nấu bếp, hay làm củi để bán? Khổ thân em. Em có được đến trường không hở em, hay chỉ biết đi làm củi làm rẫy nương, khốn khổ kiếm cái ăn?”. Một đoạn nữa, ơ kià bên lề đường một cái bóng nhỏ lom khom trờ ra đưa tay vẫy vẫy, mặt xanh tái nở nụ cười méo mó vì hàm răng sún, cánh tay khỏng khoeo chỉ chỉ vào những bó củi chất bên vệ đường. Những bó củi có che tấm ni lông cũ, nhưng em thì không, ướt nhẹp, co rúm! Xe chúng tôi vượt qua, nụ cười em tắt ngủm. Tôi hiểu ra: em đang bán củi. Tôi bần thần. Miệng tôi thêm đắng chát. Một mảnh nilông cũ rách, em không dùng để che tấm thân ốm o đang run cầm cập vì ướt lạnh. Tấm nilông quý báu ấy đã cẩn thận được che cho bó củi: tài sản của em, cơm gạo của em, tiền thuốc cho mẹ cho bà?
Dạy
cho tôi những bài học đầu đời là một bà đã vào tuổi trung niên. Giọng trong
veo, bà tập cho tôi những bài vè, bài hò, câu kinh, và những bài thánh ca. Bà đọc, tôi lặp lại cho đến
khi thuộc nằm lòng rồi ê a hát một mình ơi à ru hời mấy con búp bê làm bằng vải
xanh đỏ. Khi tôi đã có trí khôn, thi` kèm theo
với mỗi bài mỗi câu là những lời cắt nghĩa và dạy dỗ ân cần. Bà cũng chỉ
ra cho tôi thấy được ánh trăng như những giải lụa vàng óng ánh huyền hoặc trong
"Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô
múc ánh trăng vàng đổ đi", hay cái màu sắc trinh trắng tuyệt vời và
trung chính của đóa “hoa sen gần bùn mà
chẳng hôi tanh”, hoặc sự tương phản giữa "ao nước lã" lạt lẽo và "giọt máu đào" vô cùng quý hóa…vv.
Cứ như thế cho đến khi tôi cắp sách đi học lớp mẫu giáo ở cái miễu gần nhà. Lúc tôi đem
bài vở ra tập viết, bà ngỏn nghẻn nói "Út cho mạ học với!" thì tôi mới
vỡ lẽ ra cái sự không biết đọc của mạ tôi. Phải, đúng là chuyện của mạ con tôi.
Ai mà ngờ đâu bây lâu nay bà đọc thơ , ngân nga ca dao, hát kinh làu làu,... mà
lại không biết chữ! Gì mà kỳ cục, chi mà quê kệch. Với cái trí óc non nớt của đứa bé mới 5,6 tuổi,
tôi giận mạ. Bà dỗ dành "hay là mình chơi trò chơi, con làm cô giáo, mạ là
học trò hỉ". Tôi nghe theo, cho bà "học chung" tuy trong lòng vô
cùng bực bội, và nhất quyết không để cho mấy con bạn hàng xóm biết sự việc này.…
Tại sao tôi cầm bút ngóay nguyệch ngoạc
mấy đường ngang dọc là ra ngay cảnh con thuyền chập chùng trên sóng nước giữa
biển trời bao la thêm ông mặt trời oai vệ
treo lủng lẳng, còn bà thì gò bút bặm môi trợn mắt vẫn không khép nổi vòng tròn
cho cái chữ o méo xẹo, còn cái nón cho chữ ô thì gió thổi ra xa tít hờ hững vắt
vẻo một bên, lại cạnh thấp cạnh cao?!
Tôi
không hiểu được tại sao đôi tay ấy, dù hằng ngày phải lo cơm nước bếp núc bụi bậm,
phải kéo từng gầu nước giếng nặng nề, phải chăm đàn gà lo thêm đàn vịt, trồng mấy
luống rau cùng vài bụi chuối... vẫn trắng trẻo nuột nà mềm mại lạ lùng, mà tôi
vẫn cứ thích ôm lấy tẩn mẩn mân mê; cũng đôi bàn tay ấy đã cho tôi biết bao
bánh cam, bánh ú ngon thơm, bao hũ mắm vại dưa ngọt lịm, đôi bàn tay ấy may cho
tôi những bộ đồ xinh xắn mỗi độ Xuân sang... mà lúc cầm cây bút chì nhẹ bâng nhỏ
có tí ti thì y như vác khúc gỗ nặng hơn cái cột nhà. Thế là cô giáo tí hon giận,
thước kẻ cứ thế mà phết vào, còn người học trò thì vẫn kiên nhẫn gò từng nét.
Từng ấy
tuổi, tôi đâu hiểu được rằng tháng ngày xuân trẻ của mạ đã rải khắp từ ngoài đồng
áng, đến bên khung cửi rồi lại kề các
con; tôi đâu hiểu được rằng vào đầu thế kỷ 20 thì chuyện học chữ không hề
có trong tự điển của người phụ nữ vùng nông thôn.
Thế,
mà mạ tôi nhất quyết học. Tối tối, những ngón tay trắng ngà níu lấy cây bút. Đôi môi đượm vết cốt trầu duyên dáng chu lên,
méo lại theo từng nét bút dọc ngang trang trọng đặt lên trang giấy. Kiên nhẫn học.
Mầy
mò gò ép mãi, rồi mạ cũng tự viết được tên của các con. Nhưng chỉ viết được chừng
đó dường như đã đủ. "Tay mạ cứng rồi, tập viết khó lắm, thôi mạ học đọc
thôi Út hỉ". Mạ chăm chỉ học đánh vần xuôi vần ngược. Khi tôi lên trung học
thì mạ cũng đọc khá giỏi rồi. Bà có thể đọc báo để cùng bàn luận với cha
tôi, tuy có khi ông phát cười vì bà đọc
sai dấu nên hiểu nhầm nghĩa. Mỗi sáng đi chợ về, dấu dưới cái nón lá quai nhung
đen là tờ Xây Dựng hay đôi khi tờ Chính Luận. Bà hãnh diện khi tự học thêm kinh
hay những bài thánh ca mới mà không cần tôi giúp. Mắt mạ tôi mơ màng đổi sang long lanh sáng nói
rằng rồi đây bà sẽ
được tham dự lễ ra trường của các con, mà đặc biệt sẽ mãn nguyện vô cùng trong
ngày đứa con thứ tư được bước lên bàn thờ dâng thánh lễ đầu tiên, bà sẽ có thể
tự mở sách hát hòa giọng ca với tất cả mọi người trong ngôi thánh đường cổ kính
uy nghi.
Mấy
mươi năm sau, tôi vẫn còn hình dung được khung cảnh vô cùng đầm ấm lúc ấy: tôi
ngồi học bài, chị tôi ngồi đan áo, cha mạ tôi ngồi đọc báo và trò chuyện trao đổi.
Nhưng
khung cảnh đầm ấm mỗi tối ấy đã ngưng khi tôi vào lớp 10. Mạ tôi bị giữ chặt
trên giường bịnh. Bà không còn cùng cha tôi ngồi đọc báo mỗi tối. Tôi đem báo
vào đọc cho mạ hằng ngày khi vừa đi học về rồi huyên thuyên kể chuyện trường lớp bạn bè. Tôi
tâm sự với bà mọi chuyện vui buồn cùng tất cả nghĩ suy của tuổi mới lớn. Bà lại
dùng nó mà dạy dỗ khuyên lơn tôi. Mạ
con ríu rít chuyện trò đã là sinh hoạt hằng ngày của tôi. Cho nên một hôm của
tháng 5 năm ấy, cũng theo thói quen cũ, đi học về, trong vô thức tôi ôm cặp chạy
ào thẳng vào phòng mạ, rồi khựng lại đứng sững: chỉ còn cái giường chỏng trơ lạnh
lẽo. Căn phòng trống trải: Đưa mạ về với đất cả tuần rồi mà tôi vẫn chưa bỏ được
thói quen hay tỉ tê cùng mạ. Lúc đó tôi mới thấm: tôi đã mất mạ, vị thầy tận tụy
đầu đời, “em” học trò chăm chỉ thứ nhất, người bạn tâm giao đầu tiên. Tôi mười
sáu tuổi. Mười sáu mà thiếu bầu bạn để tâm sự, để nêu ngàn ngàn câu hỏi của thưở
mới lớn ngờ nghệch đang ngỡ ngàng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Mười sáu, trăng
không tròn mà lẹm khuyết tội tình. Ánh trăng vàng sóng sánh ngày xưa ấy đã vỡ
tan trong cái gầu sòng của cuộc đời, tàn
nhẫn hắt thẳng vào tôi những vục nước lớn
cho bão lũ tiếp với phong ba.
***
Buổi
chiều dưới chân đèo Hải Vân êm ả. Chỉ có
tiếng vi vu của hàng phi lao hòa quyện với
tiếng rì rầm của sóng biển vọng lại. Anh em tôi quỳ tưởng niệm bên khu mộ cha mạ.
Những mái tóc nay đã bạc. Kỷ niệm xưa vẫn
giữ tươi xanh, lời mạ dặn còn vang rõ trong tâm khảm.
Nhớ
nét chữ cong queo. Nhớ nụ cười hiền hậu.
Nhớ giọng nói trong veo. Nhớ nét môi tươi viền vệt trầu đỏ thắm duyên dáng. Nhớ,
nhớ quá.
Viếng Mộ, Xuân 2014
Lối Cũ Vấn Vương
Xuân 1991
Tôi rời bỏ Quảng Trị trong màn lửa đạn rực
trời của mùa hè 1972. Gần 20 năm sau, 1991, lòng tôi xót xa vô ngần khi tìm về lối cũ trong một
buổi chiều mưa tầm tã.
Chiếc xe mướn vội, cũ rích, lắc lư cố gắng trườn đi trên con đường hư hỏng, nhấp nhô đầy ổ gà sũng nước. Vẫn ngồi trên xe mà đầu gối tôi bắt đầu run. Tim tôi bắt đầu trật nhịp. Bồi hồi, xúc động, có đủ cả. Trời mưa làm cho cảnh vật thêm tiêu điều trắng trợt. Kia dăm nương sắn lưa thưa, đây vài luống khoai èo uột bao quanh những nóc nhà tranh xiêu vẹo. Qua khỏi đoạn đường ngày xưa là đại lộ kinh hoàng vẫn còn đầy dấu tích của những khung xe móp méo rỉ sét là vào vùng Hải Lăng đất cát khô cằn. Trên đoạn đường ngoằn ngoèo loang lổ ấy, hiện ra hình dáng hai em nhỏ đang khiêng một bó củi. Vâng, chỉ đúng có một bó củi thôi ở giữa hai thân xác nhỏ bé đang di chuyển. Bó củi có lẽ đang tươi, vì hai cái thân xác ốm o bé tí kia khòm đi, lãnh chịu sức nặng của bó củi ướt đang đè xuống. Trong màn nước mưa mù mịt, và đôi mắt đang mờ dần vì đầy lệ, tôi ngoái lại nhìn: áo các em lem luốc rách tả tơi đang dính sát vào thân mình, quần đùi ngắn ngủn cũ rích phập phờ theo hai đôi chân nhỏ bé chạy lúp xúp. Tôi rên nhỏ trong lòng, “em ơi, đi kiếm củi cho mẹ nấu bếp, hay làm củi để bán? Khổ thân em. Em có được đến trường không hở em, hay chỉ biết đi làm củi làm rẫy nương, khốn khổ kiếm cái ăn?”. Một đoạn nữa, ơ kià bên lề đường một cái bóng nhỏ lom khom trờ ra đưa tay vẫy vẫy, mặt xanh tái nở nụ cười méo mó vì hàm răng sún, cánh tay khỏng khoeo chỉ chỉ vào những bó củi chất bên vệ đường. Những bó củi có che tấm ni lông cũ, nhưng em thì không, ướt nhẹp, co rúm! Xe chúng tôi vượt qua, nụ cười em tắt ngủm. Tôi hiểu ra: em đang bán củi. Tôi bần thần. Miệng tôi thêm đắng chát. Một mảnh nilông cũ rách, em không dùng để che tấm thân ốm o đang run cầm cập vì ướt lạnh. Tấm nilông quý báu ấy đã cẩn thận được che cho bó củi: tài sản của em, cơm gạo của em, tiền thuốc cho mẹ cho bà?
Xe đưa tôi qua Long Hưng, rẽ vào Thạch Hãn, ngang
qua ngôi trường trung học thân yêu bể nát, rồi quẹo
xuống Trí Bưu, đây từng là những đường
xưa lối cũ của tôi, là con đường làng đầy bóng mát ngày xưa tôi và các bạn
tha thướt áo dài trắng đi về, là những
cánh đồng lúa xanh rì tôi đã từng mê mẩn ngắm nhìn, là con đường tôi theo các bạn
cùng lứa tuổi thủa thanh xuân lang thang trong những chiều hè êm ả. Con
đường ấy, hôm nay đầy đất đỏ quyện với đá dăm đen thủi. Các em bé đang tan học
về. Năm bảy em chia nhau một tấm ni lông lớn trên đầu. Áo quần phong phanh
không đủ chống cái lạnh mùa đông. Những đôi chân nhỏ bé thiếu guốc dép chạy
nhanh trên con đường phủ đầy đá dăm lởm chởm. Mùa đông Quảng Trị. Lạnh. Áo quần
không đủ. Lạnh hơn. Mưa ướt người. Rét cóng. Tuy đang chịu đựng cái lạnh cắt
da, những khuôn mặt tái ngắt vì lạnh ấy cũng nở ra những nụ cười răng sún sáng
rỡ nhìn chúng tôi. Ôi những tiếng cười đùa ríu rít dễ thương của trẻ thơ. Tôi
lại nhủ lòng: “em ơi, ăn không no, mặc không ấm, đường quá xa, rồi em còn cố
gắng tiếp tục đến trường được bao lâu nữa. Những con đường sỏi đá này có làm em
nhũn chí, hay những thiếu thốn của cuộc sống sẽ làm em ngã lòng, rồi em chỉ
biết loanh quanh với gánh củi, với luống khoai…”?
Đường tôi đi xưa tuy
cũng lao đao nhiều bận vì chiến tranh, nhưng thế hệ tôi đã vượt qua. Còn các em
bé này thì sao, có ai dẫn bước chỉ đường, có ai đỡ nâng?
Tôi tự hỏi lòng:
mình có giúp được gì cho bước đường em đến trường được gần lại, để em có thể
học biết thêm đôi chút văn hóa, cho đời em mai này bớt lao khổ. Mình làm được
gì để đường xưa lối cũ của mình vẫn còn đẹp không những chỉ trong ký ức,
mà cho các em bây giờ và mai sau. Câu hỏi đó vẫn mãi hoài trong tôi từ mùa Xuân
giá rét năm ấy. Và cũng từ đó, tôi đã đem cái khả năng rất nghèo nàn hạn hẹp của
mình để góp phần làm cho lối đi của một số em được bớt sỏi đá bớt chông gai hơn,
cho em có được một tương lai bớt tăm tối hơn. Đường em đi, mong rồi cũng tìm
được chút ánh sáng hy vọng.
Thơ ...thẩn
...........................Dọn dẹp kệ sách cũ, tìm
ra những dòng lẩn thẩn này.
Rụng Về Gốc Xưa
Tôi về thực?
tưởng như mơ:
Con đường sỏi đá nằm trơ hứng sâù,
Lá hờn chẳng đợi lẫn nhau
Buông mình từ giã, hoàng hôn ngỡ ngàng.
Quanh tôi xa lạ xóm làng
Đâu còn dấu vết ngày vàng tuổi thơ.
Gốc me cũ, ngã chổng chơ
Tên ai xưa khắc, chẳng còn nét in.
Làng Thạch mãi cứ lặng thinh
Tôi không là đứa con xa tìm về!
Ôi hoang lạnh, ơi ê chề
Một mình tôi đứng ngẩn ngơ bơ thờ
Sầu đông năm cũ không chờ
Tôi, cánh lá uá rụng về gốc xưa!
Gốc xưa đã nhạt bóng rồi
Đất xưa cũng lạ
Lá tôi
Rã
Tàn
1993
Một Thoáng Nữa Thôi
Cho tôi một thoáng khẽ khàng
Chân trần nhón nhẹ đường làng tôi xưa
Thăm hàng mướp, khóm tre thưa
Uống lời mẹ hát bài ru con buồn
Xin về góc nhỏ xóm thôn
Nhìn chiều vương nắng khói ôm bếp nhà
Cho tôi chút ánh trăng ngà
Đêm huyền hoặc cũ, ươm hơi gió nồng.
Cho xin một thoáng hương đồng
Ngạt hương lúa trổ đòng đòng trinh nguyên.
......
Xin một lần nữa, bên hiên
cùng người thân thiết nửa đời lià xa.
Một lần nữa, khoảnh khắc thôi
Để tôi đi hết đời này, phù du!
1992
Củ Khoai Mùa Đông Năm Ấy
Tùy bút
Trong
một ngày, có lẽ thời gian thoải mái nhất của tôi là lúc lái xe đi làm. Ngày còn
rất non, màn đêm chưa vén nên nền trời còn đen kịt. Tôi cứ đi theo luồng xe, những
đốm đỏ kéo thành vệt dài không dứt lập lòe trước mặt, chậm, nhanh cũng mặc.... Và thế, tôi thả tâm trí vẩn
vơ về những ngày tháng cũ. Như sáng nay
thôi, trong màn trời đen của một ngày đông lạnh tôi bỗng dưng nhớ đến củ khoai ấm tình của một mùa Đông xưa.
Một củ khoai! Bạn chớ vội cười. Hãy cùng tôi sống
lại khung cảnh ấy. Cho dù bụi thời gian đã phủ dày nhưng kỷ niệm vẫn còn đó y
nguyên.
Mùa
đông 1978, tôi được lệnh đổi đi vùng kinh tế mới vừa thành lập ở ven rừng cách
thị trấn độ 10km. Thông thừơng việc thuyên chuyển giáo chức xảy ra vào dịp hè,
trước ngày khai trường. Có lẽ tôi là trường hợp đặc biệt: bị đổi khi chưa thi học
kỳ I. Tôi vác ba lô đi bộ theo đường đất đỏ khúc khuỷu gập gềnh vào nhiệm sở mới.
Dân chúng là gia đình của các vị đang đi "cải tạo", gồm những bà mẹ
trẻ với đàn con thơ cùng các cụ già ốm yếu, có lẽ họ đã chưa từng phải làm lụng
chân tay khổ nhọc nay "được" lên khu rừng mới khai phá để sống trong những căn nhà hay
những cái lều tạm bợ bám vào cánh rừng khô. Tôi được ở trong một góc nhỏ ngăn từ cái lán để củi và dụng cụ làm vườn, nghe
đâu là của thanh niên xung phong dựng lên để tạm trú trong những ngày họ lên giúp khai phá rừng: vách
bằng lá chỉ cao ngang tầm mắt, và mái tranh thưa rếch thưa rang đến nỗi có thể ở
trong lán mà ngắm trăng đếm sao được. Nó không che được gió mưa và sương đêm
nơi chốn rừng sâu chướng khí. Tối đến tôi phải trùm tấm nilon lên ngoài mền, nếu
không thì sẽ bị ướt đẫm vì sương đêm nặng hạt. Nhưng có lẽ cái đáng sợ hơn hết
là việc bị đồng nghiệp xa lánh: Tội đã bị
mặc cho một cái áo khác, áo mang màu của "tàn dư chế độ cũ", cái áo mọi
người phải e dè tránh né.
Từ
trong góc rừng xa vắng ấy, hơn lúc nào hết tôi ham muốn được đi nhà thờ. Có lẽ
tôi cần chốn tựa nương. Có lẽ tôi muốn một mình lặng lẽ đi trong đêm tối để
nghe bước chân mình, để được thả đầu óc tự do bay về đậu lại dù chỉ vài khoảnh
khắc trên bờ tường mang tên tháng ngày cũ. Dạo ấy tất cả các thánh lễ ngày thường
và chủ nhật phải được cử hành từ lúc sớm tinh mơ, không cản trở giờ lao động. Để có thể tham dự thánh
lễ, tôi khởi hành từ lúc 3 giờ sáng, gà còn chưa gáy sớm. Theo ánh sáng lờ nhờ của ánh trăng bị che phủ bởi sương đêm
dày đặc nơi vùng núi rừng cao nguyên, tôi đi qua khá nhiều đồi cây cỏ lúp xúp, có đoạn xuyên qua những đồi trà đang
bị bỏ ngơ xơ xác tiều tụy. Mới vài năm trước thôi những đồi trà này rất trù phú, đã là nơi dừng chân của tôi và
đám bạn trong những buổi rong chơi cuối tuần. Chủ nhân của chúng giờ lưu lạc
phương nao, tôi tự hỏi. Lầm lũi bước đi trong cảnh trời đất mênh mông đen như mực,
cùng với gió lạnh sương buốt, tôi thật sự rùng mình cảm nhận sự cô đơn chơ vơ tận
cùng và nỗi lo sợ kinh hoàng về một ngày mai không định huớng.
Và đó là thời
điểm tôi nhận được củ khoai.
Tối
hôm ấy vừa xong buổi "sinh hoạt tập thể", thân xác rã rời bước về lán, mũi tôi hếch lên vì cái
mùi thơm của khoai lang nóng. Lạ. Nheo mắt nhìn quanh cái lán tối mù, tôi thấy
một củ khoai nằm chễm chệ trên bàn (bàn chỉ là một tấm ván cong queo treo lên
vách lá). Củ khoai bé chỉ bằng nửa nắm tay lại còn méo mó. Loại này ngày trước chẳng ai thèm lượm, thuờng
bỏ lăn lóc lại ngoài nương để làm phân bón cho mùa tới. Bây giờ nó là nỗi ao ước
của những người dãi dầu ngoài kia, là món quà quá quý báu với tôi. Dù trong cái
lán trống trơn gió lùa bốn phía, nó vẫn thơm nức thơm lừng. Củ khoai còn rất ấm, chừng như ai đó vừa lén bỏ vào. Tôi ôm nó vào lòng hai bàn tay, đưa lên mũi, ấp lên
má mà nước mắt rưng rưng: học trò cũng biết cô giáo thiếu ăn. Mà cơ khổ, chắc
em cũng đang đói meo! Rồi không phải chỉ
nước mắt mà nước miếng tôi cũng ứa ra: thèm quá! Còn nhớ như in: Tôi đã bứt từng
cọng rễ, xé từng mảnh vỏ mỏng như lụa bỏ vào miệng nhỏ nhẻ nhai, rồi mới trịnh
trọng nhè nhẹ đặt răng vào củ khoai cắn từng miếng thật bé, ngậm mà nghe nó tan
trong miệng, không dám nuốt cái huơng vị ngọt ngào ấy. Chao ơi không có củ
khoai nào thơm ngon như thế. Không biết em nào trong đám thiếu niên còm cõi ốm o kia
đã can đảm nhường củ khoai quý báu ấy cho cô giáo để tôi nói lời cảm ơn. Củ
khoai đã làm cho lòng tôi ấm lại. Nó không còn là một củ khoai ốm o méo xẹo mà
tròn trịa no đầy tình yêu thuơng sẻ chia, nó thơm ngát tình người nơi thâm sơn
cùng cốc. Củ khoai như là một tín hiệu của sự bảo bọc và cảm thông? Tôi không đoan
chắc nhưng từ đó sự cô đơn trong tôi bớt ray rứt kinh hoàng.
0o0o0o0
Bây giờ mỗi lần đi cắm trại, bên ngọn
lửa hồng nhảy nhót, trong lúc các bạn quây quần với rổ khoai nướng thơm lừng nói chuyện và
đàn hát rôm rả, tôi nhón lấy môt củ, lui về phía sau tựa lưng vào gốc cây, ôm củ
khoai thơm ngát nóng hổi vào lòng hai bàn tay, nhắm mắt nhớ về củ khoai đầy
tình nghĩa năm nào. Qua ánh lửa bập bùng và rèm mi nhòe ướt, củ khoai trong tay
bỗng bám đầy những hạt kim cương lóng lánh, như kỷ niệm xưa còn sáng mãi và bài
học quý vô ngần về sự đùm bọc sẻ chia sẽ
không bao giờ lụn tắt trong lòng tôi.