Saturday, July 15, 2017

HÃY NGƯỚC MẶT NHÌN ĐỜI




Có lúc nào bạn đã muốn buông xuôi cho số phận đẩy đưa khi đường đời gặp thác ghềnh?
Có lúc nào bạn đặt mình vào vị trí một bé gái bị cha bỏ rơi, mẹ tối mặt tảo tần mà chỉ chật vật sống còn ?

Một bà mẹ trẻ loay hoay lo nuôi hai con gái. Chồng bà đã bỏ đi khi đứa con thứ hai vừa chào đời và đứa lớn mới lên 5. Như nhiều phụ nữ trong làng, bà không có kinh nghiệm kiếm sống, không vốn liếng, chẳng nghề nghiệp. Cũng may, bên họ ngoại của bà cho dựng căn nhà nhỏ trong khuôn viên nhà thờ họ để ba mẹ con có nơi tránh mưa che nắng.

Bà phải ra bươn chải kiếm kế sinh nhai và nuôi con bằng những nghề đơn giản nhất: khi phụ việc trong quán ăn, lúc hái rau thuê, tết đến thì phụ gói bánh, gọt khoai, bào gừng cho các nơi sản xuất bánh mứt. Bà làm tất cả, nhất định cho con được đến trường. Và cứ thế ngày tháng đầu trôi, cuộc sống mẹ con đùm bọc nhau tưởng chừng như yên ắng. 
....Nhưng không!
Trong một lần phụ bếp, bà bị tai nạn làm đôi chân bị phỏng nặng. Để cứu đôi chân, bác sĩ dùng da của chân bị phỏng ít đắp cho cái chân tưởng đã phải bỏ, vì thể tuy bà còn đi lại được nhưng yếu hơn trước, không còn ai mướn làm trong quán ăn nữa. Những lúc trái gió trở trời, đôi chân nhức nhối làm bà phải ngồi nhà. Cứ mỗi mùa tựu trường là bà lại lo giật gấu vá vai vay mượn để đủ tiền đóng học phí cho hai con. Nhờ Trời đứa nào cũng rất chăm học và thương mẹ. Hai chị em năm nào cũng đem về những tấm bằng khen học sinh giỏi hay xuất sắc. Điều đó làm cho bà quyết tâm hy sinh và làm mọi cách cho chúng được đến trường. Cách đây hai năm, bà nghe tin và tìm đến một linh mục (cộng tác với SBVCC) xin giúp đỡ. Từ đó chúng tôi biết đến bà.

- oOo -

Trong những ngày cuối năm âm lịch vừa qua, chúng tôi hẹn gặp hai em gái ấy, xin gọi là Ti và Ni.
Buổi chiều mùa đông u ám lại đang mưa tầm tã, hai em trên hai xe đạp cũ cọc cạch từ chùa Thiên Mụ đến thăm chúng tôi tại trung tâm thành phố Huế. Nhìn các em bé tí co ro trùm kín trong chiếc áo mưa ướt sũng mà thương! Hai em học rất giỏi. Ti đã vào được trường đại học Y khoa Huế, một nơi khó nhất để chen chân. Ti chọn ngành Y Tế Công Cộng để gần với dân nghèo mà giúp cho họ, những người có hoàn cảnh như mẹ con em. Ni cũng thế, tuy còn lớp 9 nhưng quyết sẽ tiếp bước, nếu không hơn thì cũng bằng chị. Hai em hơi gầy, gương mặt đượm buồn và rất nghiêm trang. Có lẽ hoàn cảnh đã lấy mất nhũng nụ cười, cái lí lắc tươi tắn của tuổi thơ lẽ ra phải có nơi hai em gái này. 

Mỗi ngày hai buổi Ti đạp xe từ nhà gần chùa Thiên Mụ đến trường Y khoa, khoảng 5 km. Mùa nóng có thể lên đến 110oF, mùa lạnh xuống 10oF, thêm những trận mưa dầm thối đất thối đai. Để truy cập bài vở tài liệu trên Internet , em phải ra quán, nơi thường đông đúc và ồn ào bởi những người chơi games. Cũng may, sẵn có một ân nhân tặng cái laptop xinh xắn, chúng tôi đã chuyển cho em. Mắt em sáng rỡ vì ngạc nhiên và sung sướng ( hôm sau em email lời cảm ơn và viết "con rất hạnh phúc ạ").

Ti đóng học phí học kỳ 1 đã hết 4 triệu 2, tức 8tr4/ năm, trong lúc học bổng của Hội là 3 triệu 2 mỗi năm, mẹ và em đang lo lắng cho học phí học kỳ 2. Hai trong chúng tôi đã giúp em món tiền này, và những mùa học kế tiếp khi em cần. Với chúng ta, vài trăm dollars có thể là một bữa ăn sang đãi đằng bạn bè, nhưng với Ti, đó là viên gạch cần thiết để em bước tiếp đến tương lai, một tương lai mà cả mẹ, cả em đã gồng mình vượt qua bao khó khăn để vươn đến. Tương lai ấy, không chỉ đem đến cuộc sống tốt cho em, cho cả mẹ, mà còn là niềm hãnh diện vô song của mẹ, và giúp em ngước mặt nhìn đời một cách tự tin. 

Khi chúng tôi nói " hãy cố lên nhé con" thì em cứng rắn trả lời " con quyết sẽ không dừng lại mà sẽ đi đến cùng". Hai em nói năng rõ ràng dứt khoát, mạnh dạn nhìn thẳng mắt người đối diện, không e dè cúi mặt như các bé gái cùng tuổi cùng thời.

Chúng tôi tin chắc hai em sẽ thành công. Ti và Ni đã cho chúng tôi niềm lạc quan về ý chí vươn lên của thế hệ mới.
.........
Cập Nhật: hè 2019 em Ti hoàn thành chương trình cử nhân ngành Y tế Cộng đồng, trường đại học Y Dược Huế.

30-4