Sunday, July 26, 2015

Lối Cũ Vấn Vương



Xuân 1992

             Tôi rời bỏ Quảng Trị trong màn lửa đạn rực trời của mùa hè 1972. Hơn 20 năm sau, 1992, lòng tôi  xót xa vô ngần khi tìm về lối cũ trong một buổi chiều mưa tầm tã.

Chiếc xe mướn vội, cũ rích, lắc lư cố gắng trườn đi trên con đường hư hỏng, nhấp nhô đầy ổ gà sũng nước. Vẫn ngồi trên xe mà đầu gối tôi bắt đầu run. Tim tôi bắt đầu trật nhịp. Bồi hồi, xúc động, có đủ cả. Trời mưa làm cho cảnh vật thêm tiêu điều trắng trợt. Kia dăm nương sắn lưa thưa, đây vài luống khoai èo uột bao quanh những nóc nhà tranh xiêu vẹo. Qua khỏi đoạn đường ngày xưa là đại lộ kinh hoàng vẫn còn đầy dấu tích của những khung xe móp méo rỉ sét là vào vùng Hải Lăng đất cát khô cằn. Trên đoạn đường ngoằn ngoèo loang lổ ấy, hiện ra hình dáng hai em nhỏ đang khiêng một bó củi. Vâng, chỉ đúng có một bó củi thôi ở giữa hai thân xác nhỏ bé đang di chuyển. Bó củi có lẽ đang tươi, vì hai cái thân xác ốm o bé tí kia  khòm đi, lãnh chịu sức nặng của bó củi ướt đang đè xuống. Trong màn nước mưa mù mịt, và đôi mắt đang mờ dần vì đầy lệ, tôi ngoái lại nhìn: áo các em lem luốc rách tả tơi đang dính sát vào thân mình, quần đùi ngắn ngủn cũ rích phập phờ theo hai đôi chân nhỏ bé chạy lúp xúp. Tôi rên nhỏ trong lòng, “em ơi, đi kiếm củi cho mẹ nấu bếp, hay làm củi để bán? Khổ thân em. Em có được đến trường không hở em, hay chỉ biết đi làm củi làm rẫy nương, khốn khổ kiếm cái ăn?”. Một đoạn nữa, ơ kià bên lề đường một cái bóng nhỏ lom khom trờ ra đưa tay vẫy vẫy, mặt xanh tái nở nụ cười méo mó vì hàm răng sún, cánh tay khỏng khoeo chỉ chỉ vào những bó củi chất bên vệ đường. Những bó củi có che tấm ni lông cũ, nhưng em thì không, ướt nhẹp, co rúm! Xe chúng tôi vượt qua, nụ cười em tắt ngủm. Tôi hiểu ra: em đang bán củi. Tôi bần thần. Miệng tôi thêm đắng chát. Một mảnh nilông cũ rách, em không dùng để che tấm thân ốm o đang run cầm cập vì ướt lạnh. Tấm nilông quý báu ấy đã cẩn thận được che cho bó củi:  tài sản của em, cơm gạo của em, tiền thuốc cho mẹ cho bà?

Saturday, March 28, 2015

Thơ ...thẩn



      ...........................Dọn dẹp kệ sách cũ, tìm ra những dòng lẩn thẩn này.


Rụng Về Gốc Xưa

Tôi về thực?
tưởng như mơ:
Con đường sỏi đá nằm trơ hứng sâù,
Lá hờn chẳng đợi lẫn nhau
Buông mình từ giã, hoàng hôn ngỡ ngàng.
Quanh tôi xa lạ xóm làng
Đâu còn dấu vết ngày vàng tuổi thơ.
Gốc me cũ, ngã chổng chơ
Tên ai xưa khắc, chẳng còn nét in.
Làng Thạch mãi cứ lặng thinh
Tôi không là đứa con xa tìm về!
Ôi hoang lạnh, ơi ê chề
Một mình tôi đứng ngẩn ngơ bơ thờ
Sầu đông năm cũ không chờ
Tôi, cánh lá uá rụng về gốc xưa!
Gốc xưa đã nhạt bóng rồi
Đất xưa cũng lạ
Lá tôi
Tàn

1993



  Một Thoáng Nữa Thôi

  Cho tôi một thoáng khẽ khàng
  Chân trần nhón nhẹ đường làng tôi xưa
  Thăm hàng mướp, khóm tre thưa
Uống lời mẹ hát bài ru con buồn
Xin về góc nhỏ xóm thôn
Nhìn chiều vương nắng khói ôm bếp nhà
Cho tôi chút ánh trăng ngà
Đêm huyền hoặc cũ, ươm hơi gió nồng.
Cho xin một thoáng hương đồng
Ngạt hương lúa trổ đòng đòng trinh nguyên.
......
Xin một lần nữa, bên hiên
cùng người thân thiết nửa đời lià xa.
Một lần nữa, khoảnh khắc thôi
Để tôi đi hết đời này, phù du!

1992



Tuesday, March 24, 2015

Thursday, March 12, 2015

Chú Bé Bán Bún Bò




Buổi chiều mùa đông ở Huế mát dịu có lẫn một chút se lạnh, đủ để làm cho lòng người chùng xuống. Khách viễn du bỗng dưng nổi hứng muốn lang thang. Chúng tôi mười hai người, trong đó có 2 người bạn trẻ tại địa phương, mướn sáu chiếc xe gắn máy. Xe dáng chừng rất cũ, trầy trụa lại đầy bụi mà chẳng hề chi, càng "phong trần"! Chụp lên đầu mấy cái nón "nồi" đã bạc màu sơn, chúng tôi tà tà chạy từ Đập Đá, xuyên qua con đường Lê Lợi rũ bóng phựơng xanh qua Bến Ngự, lên Đàn Nam Giao dấu tích lịch sử một thời, quành sang Thiên Mụ linh thiêng, leo điện Hòn Chén u uất huyễn hoặc rồi lại quay ngược qua Thiên An thông xanh vi vu lời hát bất tận… Những lối mòn đầy kỷ niệm của riêng tôi hơn bốn mươi năm trước, một chút gì như sóng bỗng trào lên trong lòng, một thoáng thôi. 

Rong ruổi chán rồi, chúng tôi về con phố nhỏ gần An Cựu xề vào một cái quán bún bò bên lề đường hẹp. Mới đầu hôm, còn sớm nên quán chưa đông, mà quán cũng không thể đông được vì chỉ có 5, 6 cái bàn con cùng mớ ghế đẩu, tất cả bằng nhựa, tất cả màu đỏ, tất cả thấp tè. Quán có một người phụ nữ đang chăm chú nồi nước lèo to lớn , một người đàn ông đứng nhìn quanh trông nom và một chú bé khoảng độ mươi mười hai tuổi tiếp khách. Khi đám chúng tôi kéo vào, chú bé chạy ra tươi tắn mời chào. Hỏi có đủ bàn để ngồi chung không, chú dạ dạ rồi nhanh nhẹn kéo mấy cái bàn ghép lại. Vỉa hè nhỏ, lại còn chục chiếc xe Honda chiếm ngự làm chú phải chật vật khiêng bỗng chiếc bàn lên khỏi đầu, ẹo người dịch qua nghiêng lại để kê cho được 4 cái bàn bé tí ti sát vào nhau. Chú lau bàn, xếp ghế, lễ phép mời chúng tôi ngồi rồi giới thiệu các loại bún cho chúng tôi chọn: bún bò có giò, không giò, có thịt tái, có gân, hay có chả tôm, cay nhiều, ít, không cay ….
 
  

Friday, March 6, 2015

Củ Khoai Mùa Đông Năm Ấy

Tùy bút
 



Trong một ngày, có lẽ thời gian thoải mái nhất của tôi là lúc lái xe đi làm. Ngày còn rất non, màn đêm chưa vén nên nền trời còn đen kịt. Tôi cứ đi theo luồng xe, những đốm đỏ kéo thành vệt dài không dứt lập lòe trước mặt, chậm,  nhanh cũng mặc.... Và thế, tôi thả tâm trí vẩn vơ  về những ngày tháng cũ. Như sáng nay thôi, trong màn trời đen của một ngày đông lạnh tôi bỗng dưng nhớ đến  củ khoai ấm tình của một mùa Đông xưa.

 Một củ khoai! Bạn chớ vội cười. Hãy cùng tôi sống lại khung cảnh ấy. Cho dù bụi thời gian đã phủ dày nhưng kỷ niệm vẫn còn đó y nguyên.

Mùa đông 1978, tôi được lệnh đổi đi vùng kinh tế mới vừa thành lập ở ven rừng cách thị trấn độ 10km. Thông thừơng việc thuyên chuyển giáo chức xảy ra vào dịp hè, trước ngày khai trường. Có lẽ tôi là trường hợp đặc biệt: bị đổi khi chưa thi học kỳ I. Tôi vác ba lô đi bộ theo đường đất đỏ khúc khuỷu gập ghềnh vào nhiệm sở mới. Dân chúng là gia đình của các vị đang đi "cải tạo", gồm những bà mẹ trẻ với đàn con thơ cùng các cụ già ốm yếu, có lẽ họ đã chưa từng phải làm lụng chân tay khổ nhọc nay "được" lên khu rừng  mới khai phá để sống trong những căn nhà hay những cái lều tạm bợ bám vào cánh rừng khô. Tôi ở trong một góc nhỏ ngăn từ cái lán để củi và dụng cụ làm vườn, nghe đâu là của thanh niên xung phong dựng lên để tạm trú  trong những ngày họ lên giúp khai phá rừng: vách bằng lá chỉ cao ngang tầm mắt, và mái tranh thưa rếch thưa rang đến nỗi có thể ở trong lán mà ngắm trăng đếm sao được. Nó không che được gió mưa và sương đêm nơi chốn rừng sâu chướng khí. Tối đến tôi phải trùm tấm nilon lên ngoài mền, nếu không thì sẽ bị ướt đẫm vì sương đêm nặng hạt. Nhưng có lẽ cái đáng sợ hơn hết là việc bị  đồng nghiệp xa lánh: Tội đã bị mặc cho một cái áo khác, áo mang màu của "tàn dư chế độ cũ", cái áo mọi người phải e dè tránh né.

Từ trong góc rừng xa vắng ấy, hơn lúc nào hết tôi ham muốn được đi nhà thờ. Có lẽ tôi cần chốn tựa nương. Có lẽ tôi muốn một mình lặng lẽ đi trong đêm tối để nghe bước chân mình, để được thả đầu óc tự do bay về đậu lại dù chỉ vài khoảnh khắc trên bờ tường mang tên tháng ngày cũ. Dạo ấy tất cả các thánh lễ ngày thường và chủ nhật phải được cử hành từ lúc sớm tinh mơ, không  cản trở giờ lao động. Để có thể tham dự thánh lễ, tôi khởi hành từ lúc 3 giờ sáng, gà còn chưa gáy sớm. Theo ánh sáng  lờ nhờ của ánh trăng bị che phủ bởi sương đêm dày đặc nơi vùng núi rừng cao nguyên, tôi đi qua khá nhiều đồi cây cỏ  lúp xúp, có đoạn xuyên qua những đồi trà đang bị bỏ ngơ xơ xác tiều tụy. Mới vài năm trước thôi những đồi trà này  rất trù phú, đã là nơi dừng chân của tôi và đám bạn trong những buổi rong chơi cuối tuần. Chủ nhân của chúng giờ lưu lạc phương nao, tôi tự hỏi. Lầm lũi bước đi trong cảnh trời đất mênh mông đen như mực, cùng với gió lạnh sương buốt, tôi thật sự rùng mình cảm nhận sự cô đơn chơ vơ tận cùng và nỗi lo sợ kinh hoàng về một ngày mai không định huớng.

Và đó là thời điểm tôi nhận được củ khoai.

Tối hôm ấy vừa xong buổi "sinh hoạt tập thể", thân xác rã rời bước về lán, mũi tôi hếch lên vì cái mùi thơm của khoai lang nóng. Lạ. Nheo mắt nhìn quanh cái lán tối mù, tôi thấy một củ khoai nằm chễm chệ trên bàn (bàn chỉ là một tấm ván cong queo treo lên vách  lá). Củ khoai bé chỉ bằng nửa  nắm tay lại còn méo mó.  Loại này ngày trước chẳng ai thèm lượm, thuờng bỏ lăn lóc lại ngoài nương để làm phân bón cho mùa tới. Bây giờ nó là nỗi ao ước của những người dãi dầu ngoài kia, là món quà quá quý báu với tôi. Dù trong cái lán trống trơn gió lùa bốn phía, nó vẫn thơm nức thơm lừng. Củ khoai còn rất ấm,  chừng như ai đó vừa lén bỏ vào. Tôi ôm  nó vào lòng hai bàn tay, đưa lên mũi, ấp lên má mà nước mắt rưng rưng: học trò cũng biết cô giáo thiếu ăn. Mà cơ khổ, chắc em cũng đang đói meo!  Rồi không phải chỉ nước mắt mà nước miếng tôi cũng ứa ra: thèm quá! Còn nhớ như in: Tôi đã bứt từng cọng rễ, xé từng mảnh vỏ mỏng như lụa bỏ vào miệng nhỏ nhẻ nhai, rồi mới trịnh trọng nhè nhẹ đặt răng vào củ khoai cắn từng miếng thật bé, ngậm mà nghe nó tan trong miệng, không dám nuốt cái huơng vị ngọt ngào ấy. Chao ơi không có củ khoai nào thơm ngon như thế. Không biết em nào trong đám thiếu niên còm cõi ốm o kia đã can đảm nhường củ khoai quý báu ấy cho cô giáo để tôi nói lời cảm ơn. Củ khoai đã làm cho lòng tôi ấm lại. Nó không còn là một củ khoai ốm o méo xẹo mà tròn trịa no đầy tình yêu thuơng sẻ chia, nó thơm ngát tình người nơi thâm sơn cùng cốc. Củ khoai như là một tín hiệu của sự bảo bọc bao che? Tôi không đoan chắc nhưng từ đó sự cô đơn trong tôi bớt ray rứt kinh hoàng.
                         
 0o0o0o0
Bây giờ mỗi lần đi cắm trại, bên ngọn lửa hồng nhảy nhót, trong lúc các bạn quây quần với rổ khoai nướng thơm lừng nói chuyện và đàn hát rôm rả, tôi nhón lấy môt củ, lui về phía sau tựa lưng vào gốc cây, ôm củ khoai thơm ngát nóng hổi vào lòng hai bàn tay, nhắm mắt nhớ về củ khoai đầy tình nghĩa năm nào. Qua ánh lửa bập bùng và rèm mi nhòe ướt, củ khoai trong tay bỗng bám đầy những hạt kim cương lóng lánh, như kỷ niệm xưa còn sáng mãi và bài học quý vô ngần về sự đùm bọc sẻ chia  sẽ không bao giờ lụn tắt trong lòng tôi.
             

30-4