Friday, October 5, 2018

Chuyện của Ti (tt)

Đói Khổ Cũng Cam



“ Ăn đói ăn khổ em cũng cam được, chỉ cần cho hai con đi học”. Đó là câu tâm sự của người phụ nữ gầy ốm mẹ của Ti và Ni. Chuyện hai em Ti và Ni chúng tôi đã đề cập trong bài viết vào dịp tết năm ngoái. Xin lược lại vài nét sơ qua: khi đứa con gái thứ hai chào đời thì chồng bà bỏ đi. Thương cho hoàn cảnh khốn khó của bà, có người bà con cho cất một mái tranh nhỏ trong đất nhà thờ Họ để trú mưa nắng. Cách đây hơn 10 năm do bị phỏng nặng làm hai chân yếu hẳn, bà chỉ còn đi giúp làm được những việc lặt vặt, khi giữ em, khi nhặt rau. Mùa tết, bà đi gọt củ gừng hay đãi đậu, chẻ lạt...mỗi ngày được vài chục ngàn nhưng không phải lúc nào cũng có.

Khi Ti, con gái lớn học lớp 11 trường dành cho học sinh giỏi, bà ao ước cho con được học đến nơi đến chốn để thoát khỏi cảnh lầm than như cuộc đời của mình, bà tìm đến nhiều nơi xin giúp đỡ, rồi cơ may bà gặp được vị linh mục là cộng tác viên của SBVCC làm nhịp cầu giới thiệu. Ti và Ni được nhận học bổng của Hội từ đó.

Nay Ti học năm 2 đại học y khoa và Ni lớp 8, đều là học sinh giỏi.


Chúng tôi đến thăm gia đình em vào ‪lúc 8:30‬ một tối mưa lạnh. Mới hai mươi tháng Chạp nhưng trời Huế không trăng sao đen như mực. Con đường dẫn lên chùa Thiên Mụ vắng vẻ chập chờn ánh đèn khi tỏ khi mờ sau những tàn lá sùm suê. Bên gốc cây gần chùa, một bóng nhỏ đứng im bên chiếc xe đạp cũ, đã quen bóng dáng này từ mùa đông trước, chúng tôi biết đó là Ti. Em đưa chúng tôi rẽ vào con ngõ nhỏ rồi xuống xe dùng đèn pin dẫn bước.


Rẽ vào cuối lối đi nhỏ cây cối um tùm len lỏi sát ngôi mộ rất lớn là căn nhà nhỏ tuềnh toàng của ba mẹ con chìm trong bóng tối. Một cái bàn gỗ cũ ọp ẹp, hai chiếc ghế xiêu vẹo, một chiếc chiếu cũ trải giữa nền nhà lạnh là “phòng khách”. Nơi góc nhà, cái bàn học bằng gỗ cũng cũ kỹ nhưng gọn gàng được chiếu sáng với ngọn đèn néon nhỏ với ánh sáng yếu ớt. Không tivi hay radio, cũng chẳng có cái quạt máy! Thật thương cho ba mẹ con phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế, khi thì lạnh buốt xương, khi thì nóng như thiêu đốt. Giữa một Huế dịu dàng mà văn minh với đầy đủ phương tiện hiện đại, ba mẹ con có cuộc sống của thời 80s.

Cảnh đời của ba mẹ con làm tất cả chúng tôi cảm thấy nghèn nghẹn. Vì thế, sau khi giúp thêm học bổng cho Ti là món tiền riêng của vài chúng tôi, mỗi chúng tôi lại móc túi tặng thêm cho bà món quà kha khá để bà trang trải cho bớt khó khăn.


Đêm đó cả năm chúng tôi ai cũng trằn trọc vì thương cảm. Sáng hôm sau, gom hết những áo lạnh của mình chúng tôi đi thăm họ lần nữa. Trời sáng giúp thấy rõ hơn sự nghèo khổ của ba mẹ con. Có lẽ bà vừa quá 50 tuổi, nhưng vì cơ cực và thiếu dinh dưỡng nên nước da tái xanh, gầy gò, hai ống chân khẳng khiu chằng chịt sẹo vì những vết phỏng. Bà khoác cái áo lạnh cũ rộng xùng xình cài bằng mấy cây kim băng rỉ sét, quần vải soie mong manh, chân xỏ đôi dép cũ mòn bẹt gót. Mắt ngấn lệ, bà nói “ôi chao, đêm qua ba mẹ con em mừng quá ôm nhau mà khóc, thiệt chưa khi mô dám nghĩ là có người thương đến mẹ con mình như ri...”, Nhưng tuyệt đối bà không một lời xin xỏ hay than thân trách phận. Trong vẻ cam chịu ấy lại ẩn náu một ý chí rõ ràng qua lời nói “dù ăn đói nhịn khát, em cũng cam, chỉ cố gắng sao cho hai con ăn học tới nơi tới chốn như lòng mong ước của chúng.”

Không báo trước nên chúng tôi thấy rõ hơn toàn cảnh của căn nhà đơn sơ ấy. Một căn nhà của ban xã hội cất cho những “hộ nghèo”, nằm sát lưng sau ngôi mộ rộng lớn rêu phong phủ kín . Nhà tuy cất trên mảnh đất khá cao nhưng không tô, không sơn phết bám đầy mốc meo trắng xanh, lại che chắn bởi nhiều tấm nilong hay áo mưa cũ rách làm cho nó thêm tiểu tụy.


Phòng ngoài, nơi chúng tôi ngồi hôm qua tương đối “khá” hơn căn phòng tối bên trong, nơi ngủ cho ba mẹ con: một chiếc giường nhỏ, cái mùng muỗi cũ , chiếc chiếu rách, cái mền mỏng là nơi ba mẹ con ôm nhau qua những đêm giá buốt. Chúng quanh nhà là những bụi chuối xơ xác chen lẫn những thân cau cao ốm mảnh khảnh, tuy thế họ không được đụng đến, cũng không được trồng cây rau khóm cà...vì chỉ là thân phận ăn nhờ ở đậu trên mảnh đất của dòng họ.




Chia tay, chúng tôi trao bà mấy cái áo ấm, dặn bé Ni mua cho mẹ cái quần nỉ và đôi vớ để giúp bớt đau nhức trong những ngày mưa lạnh.


Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại thăm ba mẹ con họ, không những chỉ vì sự cảm mến mà còn để tự nhắc nhở rằng chung quanh ta còn nhiều tấm gương sáng đáng ngưỡng mộ. Khổ nhục tưởng như đến tận cùng, nhưng người mẹ khốn khổ này không bỏ mặc cho cuộc đời nghiệt ngã dìm sâu, mà vẫn cố vươn lên sống cho con vì con. 

Hơn lúc nào hết, chúng tôi cảm thấy được những món quà của chúng ta thật đáng quý và đầy ý nghĩa.

(Tháng 2-2018/Charity Trip)

30-4